Rùng mình tận thấy cảnh phanh thây hổ

Một thế giới những con hổ xấu số từ lúc sinh đến khi bị “cõng” qua biên giới hoặc hoá thân trong những nồi cao hổ thật – giả khó lường ở Lào, Việt Nam.

Con hổ 16 năm tuổi, nặng 1,6 tạ sau khi bị bắn chết. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Một con hổ 16 năm tuổi bị hành hình bởi những viên đạn của người chăm nuôi… Năm đêm thức bên nồi cao hổ cốt… Một trại hổ giữa khu rừng mênh mông vọng lên những tiếng rú hoang dại… Và rất nhiều câu chuyện khác đã giúp chúng tôi ghi lại một thế giới những con hổ xấu số từ lúc sơ sinh đến khi bị “cõng” qua biên giới hoặc hoá thân trong những nồi cao hổ thật – giả khó lường ở Lào, ở Việt. Phóng sự được thực hiện tại bản Phôn Phen, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào).

Chiếc Prado màu sữa của bà chủ tên Q. chở hai người Việt rời ngôi biệt thự bên đường 8 thuộc bản Phôn Phen, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) hướng về trại hổ. Hơn một giờ sau, con hổ bị bắn để bán nấu cao đã được chở về vị trí xẻ thịt.

Sáu phát súng hạ con hổ 1,6 tạ

Được tin, chúng tôi bước nhanh đến ngôi nhà là điểm xẻ thịt con hổ vừa bị bắn chết. Phía góc sau ngôi nhà đã rộn lên tiếng xì xào của cả chủ lẫn khách đang đứng vây quanh tấm bạt rộng, giữa là con hổ nằm nghiêng, nhe mấy chiếc răng vàng, miệng loang máu há hốc.

Chúng tôi kinh ngạc vì lần đầu tiên nhìn thấy một con hổ to như con bê, nằm sóng soài. Nghe hai người sang Lào nấu cao hổ tết là ông K. và ông H. trò chuyện, chúng tôi biết con hổ nặng 1,6 tạ, thân dài 1,5 m, cao 80cm bị bắn hạ bởi sáu viên đạn súng hơi từ tay một thành viên của trại.

Đây là lúc nhóm người nấu cao xắn tay áo, xẻ thịt, lóc da con hổ. Người đứng vây quanh không ngớt bình luận sự toại nguyện về giá trị của con hổ đã được chọn như ý để nấu cao. Ông K. nhìn trân trân con hổ, nói giọng vẫn còn thảng thốt: “Thằng P. bắn sáu phát mới chết đấy. Ghê chưa”. Một thành viên trẻ tiếp lời: “Thường chỉ bắn một phát là con hổ “đi”. Tôi nuôi con hổ này từng ngày nên biết nó già nhưng vẫn rất khoẻ”.

Ông K. chỉ tay về phía ông H. kể lại: “Phát thứ nhất bắn vào đầu, con hổ gục xuống. Do sợ quá nên ông H. rời khỏi chuồng hổ ngay”. Nghe vậy, ông H. giải thích: “Thấy nó gục xuống, máu đầm đìa nhưng vẫn gượng dậy, lết đi nên tôi vừa sợ, vừa thương không dám nhìn thêm”.

Ông K. kế tiếp: “Sau phát thứ hai con hổ vẫn lết đi. Phát thứ ba vẫn lết đi rồi bất thần lồng lên, ngắc ngoải. Tay P. nổ liên tiếp đến phát thứ sáu vào ngực vào tim thì con hổ mới chịu nằm chết”.

Con hổ bị xẻ thịt sau khi dính 6 phát đạn. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Ngay lúc đó, nhân viên trong trại hổ nhanh tay bơm nước, chùi, cọ những vũng máu loang lổ trên nền bê tông cho chuồng hổ sạch sẽ trở lại. Trước sự chứng kiến của bà chủ và ông K., ông H., bốn người trong trại cầm chặt bốn chân hổ, gồng mình nhấc con hổ lên bàn cân. Con hổ nặng 1,6 tạ nhanh chóng được chở về vị trí xẻ thịt. Chúng tôi tò mò về diễn biến đầu tiên, trước khi con hổ bị bắn.

Ông K. mô tả: “Trước khi bắn, phải tách con hổ ra khỏi chuồng nuôi chung với hai con hổ khác rồi lùa nó đến một chuồng cách li, không cho con hổ khác biết. Nhưng khi bắn con hổ gục xuống hẳn thì bỗng dưng tiếng rú của nhiều con hổ khác cùng dãy chuồng rú lên. Nghe rờn rợn. Nghĩ cũng chờn”.

Lúc đó, những bàn tay chắc khoẻ liên tục lích mũi nhọn con dao luồn khắp bụng, sườn, lưng, chân tay, đầu và đuôi để lột sạch da con hổ. Dao kém sắc thì chuyển cho người mài. Thú thật, không ai đứng nhìn xẻ thịt, lóc da con hổ mà không cảm thấy rùng mình bởi đây là hình ảnh phản cảm.

Tầm gần trưa, bộ da mướt lông vằn vện của con hổ đã được tách ra khỏi thân hình hung dữ của nó. Còn bộ xương cũng đã được bóc ra khỏi những tảng thịt hổ bày la liệt trên tấm bạt. Họ chặt từng khúc xương hổ bỏ vào nồi đã pha nước luộc gừng, rau cải để đun.

Tối hôm đó toàn bộ phần xương được rút ra, không dính một mẩu thịt nào. Thâu đêm, đến 4 giờ sáng hôm sau, người nấu cao ngồi kì cạch cạo xương, đập xương, cưa xương, dùng bàn chải nạo sạch tủy đen đặc, chuẩn bị cho vào nồi.

Do xương dày, cứng nên phải dùng búa tạ để kê, dùng búa con để đập kiểu “trên đe, dưới búa”. Tiếng đập xương chan chát khiến chó của những nhà lân cận sủa inh bản.

Hai ông K. và H. cầm trên tay những đoạn xương ống đặc màu vàng trắng ngắm nghía khúc xương dày gần 1 cm, đặc tuỷ đen. Ông H. nói như một trải nghiệm về việc nhận biết thế nào là con hổ nhiều tuổi.

Đây là điều kiện đầu tiên để có nồi cao hổ cốt: “Trước khi lựa ba con ra để chọn một thấy có con tầm 2 tạ nhưng không “rom” (gầy) bằng con ni. Đang lưỡng lự nên bắt con nào thì bất chợt con hổ ni nhe răng. Bọn tui thấy răng vàng, to và đặc (không còn bọng răng) nên biết đây là loại hổ “bố, mẹ” sẽ rất chất lượng cho nồi cao nên mới quyết con ni”.

Hổ “bố mẹ” là hổ tầm bao nhiêu tuổi. Chúng tôi hỏi. Đại gia H. giải thích: “Tầm 16 tuổi. Hổ 16 năm tuổi là già lắm rồi. Đây là một trong những yếu tố về bộ xương hổ điểm 10 cho nồi cao hổ cốt”.

Nồi cao hổ cốt nấu bằng củi, cho ra chất cao màu cánh gián. Ảnh: Vu Cát Tiên.

Cao hổ cốt và cao hổ dỏm

Làm sạch tuỷ xong, hai ông K. và H. cân được 12,8 kí xương. Họ cho thêm 5 kí gạc nai, mai rùa, xương sơn dương mua từ một thổ nấu cao ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) để giảm độ nóng, tạo độ mát cho cao hổ.

Khác các đại gia đến từ Hà Nội mang theo hội nấu cao thuê sang đây dùng bếp ga, tiền công 20 triệu đồng, hai ông này đưa người nhà đi, nấu cao bằng bếp củi. Kinh nghiệm cho hay, nấu bếp củi mất 5 ngày đêm thì cao chín màu cánh gián, đẹp óng ánh hơn nhiều so với nấu bếp ga chỉ hai ngày đêm.

Ông H. nói: “Mình nấu cao cho mình dùng gọi là cao nhà, khác hẳn hội nấu cao nấu để bán gọi là cao kinh doanh. Mình pha đủ độ gạc nai, mai rùa là 5 kí. Còn cao kinh doanh nó độn 15-20 kí để làm tăng số lượng cao. Nồi cao của mình không thể bỏ sót hai cái bánh chè (miếng đệm đầu gối hai chân sau) là chất liệu quý nhất của nồi cao hổ cốt. Hội cao kinh doanh nó giấu hai bánh chè để bán riêng với giá trên dưới 100 triệu đồng (tuỳ con hổ), người mua cao làm sao biết được”.

Ông K. nêu một kinh nghiệm khác: “Chất can xi chiết ra trong nước xương cô lại thành cao. Đun đến khi nào cầm khúc xương ống bóp nhẹ mà vỡ vụn là kết thúc việc chắt nước cao, chuyển sang cô cách thuỷ (chống cháy cao). Trong nồi chỉ còn lại xác xương. Đó là chất vôi. Sở dĩ khi ngâm cao thấy dưới đáy bình đọng một lớp cặn màu trắng, đó chính là bã vôi do người nấu đâm nhỏ, trộn vào để tăng số lượng cao, thêm gam nào hay gam đó. Cao của mình dùng được chắt, lọc cẩn thận qua hai tầng vải mịn (mịn hơn vải màn) nên không bao giờ có màng mỡ và lớp cặn như thế”.

Sau đêm thứ năm, nồi xương 12,8 kí, cô được 32 lượng cao. Ông H. bấm máy tính trên điện thoại: con hổ 1,6 tạ x 6 triệu đồng/kí = 960 triệu đồng. Số tiền này cọng tiền mua 5 kí gạc nai, mai rùa và các chi phí khác, tổng chi là 1.050.000.000 đồng. Lấy số này chia cho 32 lượng = 32.821.000 đồng. Như vậy, cao hổ cốt, xịn có giá thành gần 33 triệu đồng/1 lượng.

Ở Việt, hễ cao hổ bán giá 10-20-25 triệu đồng/lượng đều là cao hổ dỏm. Dỏm hơn nữa là loại cao “khuyến mãi” 7-8 triệu đồng/lượng, rao bán tràn lan.

“Cho nên muốn biết cao hổ cốt, xịn thì phải tận mắt nhìn thấy con hổ và nhìn thấy nồi cao thì mới tin”, ông H. nói.

Nhìn khay cao vàng óng, chủ nhà nhớ lại hội nấu cao từ Hà Nội, kháo nhau: “Thời trẻ đi kiếm tiền, về già đi nấu cao hổ để dùng là sướng nhất”.

(Còn nữa)

Vu Cát Tiên