Nạn săn trộm tê giác giảm ở Nam Phi

Cuộc chiến chống lại nạn săn trộm tê giác của chính phủ Nam Phi dường như mang lại kết quả khi tội phạm này sụt giảm năm thứ tư liên tiếp.

Bộ trưởng Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Barbara Creecy cho biết năm 2019 có 594 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở Nam Phi, giảm từ mức 769 cá thể bị giết trong năm 2018.

“Số lượng tê giác bị săn trộm giảm là chỉ dấu cho thấy hiệu quả của các sáng kiến đang được chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của các đối tác nhưng chúng ta không thể vừa lòng với thành quả này”.

“Các kế hoạch chống lại tội phạm động vật hoang dã liên tục được cập nhật và điều chỉnh để phù hợp với những mối đe dọa liên tục và hiện tại đang tiếp diễn. Chính phủ đang sử dụng nhiều hơn các ý tưởng sáng tạo và công nghệ mới để giải quyết sự tấn công không ngừng vào tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái”.

Nam Phi đang nỗ lực phối hợp để chống lại tội phạm động vật hoang dã, đặc biệt là nạn săn trộm các loài mang tính biểu tượng và liên quan đến nạn buôn lậu ảnh hưởng đến nhiều loài khác nhau, kể cả tê giác, voi, sư tử, tê tê, tuế và nhiều loài động vật có vú, thực vật, bò sát, lưỡng cư.

Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Bộ Nam Phi phối hợp với một số đơn vị như các vườn quốc gia, Viện nghiên cứu Đa dạng sinh học Quốc gia Nam Phi (SANBI), Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR), và các cơ quan bảo tồn cấp tỉnh để bảo tồn động thực vật.

Save The Rhino, tổ chức vận động việc cấm buôn bán sừng tê giác nhấn mạnh cho dù tội phạm động vật hoang dã giảm thì vẫn còn một chặng đường dài phải đi.

“Mặc dù có tin tốt là săn trộm giảm nhưng tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng săn trộm vẫn còn, cũng như hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến khủng hoảng lương thực và nước”.

“Một trong những thách thức từ cuộc khủng hoảng săn trộm hiện nay là nó chuyển sự chú ý của mọi người khỏi các hành động khác vốn rất quan trọng để tê giác phát triển mạnh trong tương lai. Mặc dù các biện pháp chống săn trộm vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng điều quan trọng là chúng ta không nên quên lãng các biện pháp khác như: Quản lý sinh học, huy động cộng đồng tham gia, nâng cao năng lực cũng như phối hợp ở cấp quốc gia và quốc tế”.

Nhật Anh (Theo South African)

Nguồn: