Những quyết định tưởng chừng như vô lý nhưng lại có thật tại Bình Phước đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong việc quản lý, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Tiêu hủy hàng nghìn mét khối gỗ lâm sản tồn đọng tại các dự án theo hình thức… tự mục, nhưng đồng thời lại chi trả hơn 11 tỷ đồng cho các doanh nghiệp chịu trách nhiệm xử lý số lâm sản này.
Những quyết định tưởng chừng như vô lý nhưng lại có thật tại Bình Phước đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong việc quản lý, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Hơn 8.000m3 gỗ rừng bị tiêu hủy bằng cách… chờ mục
Theo công văn số 3911/UBND-TH ngày 30/12/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước về việc tiêu hủy lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã chấp thuận chủ trương tiêu hủy hàng ngàn mét khối gỗ lâm sản tồn.
Cụ thể, dự án “trồng cao su tạo quỹ phục vụ bảo tồn Khu Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam” tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết có hơn 1.500m3 lâm sản từ nhóm 3 đến nhóm 8.
Dự án “chuyển đổi diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su” tại Nông lâm trường Đăk Mai, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Phước Long có gần 1.036m3.
Dự án “chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp” tại Nông lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Bình Phước, trong đó tại Tiểu khu 363 là gần 1.971m3 và Tiểu khu 389 là gần 3.573m3. Tổng cộng số gỗ tại các dự án trên là gần 8.080m3, thuộc nhóm 2-8.
Nguyên nhân phải tiêu hủy, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tại Văn bản 3911 là do “toàn bộ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng, mục nát, không còn sử dụng được.” Hình thức tiêu hủy số lượng gỗ nói trên là để tự mục tại hiện trường.
Liên quan đến hơn 8.000m3 lâm sản tồn đọng tại các dự án, trước đó, ngày 1/7/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn số 1817/UBND-TH về việc hoàn trả cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cho Sở Tài chính tìm nguồn kinh phí để hoàn trả 11,16 tỷ đồng cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng trên địa bàn tỉnh gồm: Tổng Công ty Nông lâm nghiệp Việt Nam (2,5 tỷ đồng), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công Thành (2 tỷ đồng), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát Lộc (3,4 tỷ đồng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Hồng Phúc (3,2 tỷ đồng).
Mất rừng, mất tiền, gỗ để mục
Tại Văn bản 3911, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc bảo quản và tham mưu xử lý lâm sản tồn.
Để tìm hiểu rõ hơn về số gỗ lâm sản bị hư hỏng đến mức phải tiêu hủy, phóng viên đã theo chân người dân vào khu vực rừng Suối Nhung, thuộc Tiểu khu 363 – thuộc Nông lâm trường Tân Lập thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bình Phước, nơi theo thống kê có gần 1.971m3 gỗ lâm sản từ nhóm 3-8 bị tiêu hủy.
Theo ghi nhận, ngay cửa rừng, một bãi tập kết gỗ hàng trăm m3 với những cây gỗ có đường kính từ 20cm đến hơn 150cm. Những cây gỗ này được cho là vận chuyển từ trong rừng thuộc Tiểu khu 389 ra.
Đi khoảng hơn 1 giờ đồng hồ trong rừng, theo các lối mòn, phóng viên đã nhìn thấy nhiều gốc cây rừng với đường kính khá lớn bị chặt hạ. Bên cạnh một số gốc cây bị chặt hạ vẫn còn nhiều thân, cành lớn vẫn nằm lại trong rừng và đang mục, nát từng ngày.
Ông Trần Đức Lý, một người dân địa phương, cho biết khi Chính phủ quyết định đóng cửa rừng, hàng trăm cây gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng, sau khi khai thác xong là thời điểm đóng cửa rừng. Số còn lại được chở ra ở bãi tập kết nằm phơi mưa, phơi nắng nhiều năm dẫn đến mục nát.
“Lúc đầu có rất nhiều gỗ ở bãi tập kết Tiểu khu 363 và ở thành phố Đồng Xoài. Thế nhưng không biết tại sao số gỗ trên càng ngày càng ít. Điều đau xót hơn là số gỗ còn sót lại do để phơi mưa, phơi nắng nhiều năm nên bị mục nát gần hết,” ông Lý cho biết.
Theo lý giải của ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, để xảy ra tình trạng hàng ngàn mét khối gỗ bị mục nát một phần là do trách nhiệm của chủ rừng, nhưng nguyên nhân chính là do yếu tố khách quan.
Quá trình quản lý có quá nhiều khó khăn vì phải vận chuyển gỗ trong rừng ra. Ngoài ra, gỗ khi vận chuyển ra bãi tập kết không có nhà kho, không có người quản lý nên trong thời gian 2 năm gỗ đã nhanh chóng mục nát.
“Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã có chủ trương cho thanh lý toàn bộ số lượng gỗ hơn 8.000m3, trong đó có hơn 1.047m3 đã chuyển về kho giao Công ty Cao su Bình Phước tổ chức đấu giá nhưng không có người mua. Vì vậy, để thời gian lâu quá, số gỗ này càng ngày càng mục nát, không thể sử dụng được, nên buộc phải tiêu hủy,” ông Lộc cho biết.
8.000m3 gỗ, một con số không hề nhỏ nếu đem ra quy đổi ra tiền và càng lớn hơn khi đem so sánh với giá trị mà nó đem lại khi đang còn là những cây rừng tươi tốt. Tiền mất, rừng cũng mất. Đây là sự việc quá vô lý nhưng đã xảy ra ở địa phương Bình Phước.