Nữ sinh người Thụy Điển cho rằng mục tiêu giảm khí thải của EC quá khiêm tốn, thế giới không chỉ cần những mục tiêu của năm 2030 hay 2050 mà cần hành động ngay từ năm 2020.
Ngày 4/3, Ủy ban châu Âu (EC) công bố “luật khí hậu” để tạo tính ràng buộc pháp lý cho mục tiêu loại bỏ toàn bộ khí gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra trong bầu khí quyển vào năm 2050.
Theo luật khí hậu mới được EC thông qua trong cuộc họp diễn ra cùng ngày, EU, gồm 27 quốc gia thành viên, cam kết đưa mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển về 0 vào năm 2050.
Theo quy định, mốc 2050 là mốc chung cho toàn EU và bao gồm khả năng rằng một số thành viên có thể lùi thời hạn đạt mục tiêu này nếu các quốc gia khác đạt mục tiêu sớm hơn.
Luật này sẽ cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên thông qua mới có hiệu lực.
Luật cũng có điều khoản nêu rõ EC có thể tiến hành đánh giá mục tiêu khí thải 2030 vào tháng Chín tới, tức là chỉ 2 tháng trước khi Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc diễn ra tại Glasgow, Anh.
EC mong muốn siết chặt mục tiêu giảm khí phát thải trong bầu khí quyển năm 2030 xuống mức 50% hoặc 55% so với mức của năm 1990.
Từ năm 2030, luật mới trao cho Brussels quyền áp những mục tiêu tạm thời cao hơn trong mỗi 5 năm để giúp khối đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính do con người gây ra trong bầu khí quyển vào năm 2050.
EC sẽ áp dụng những mục tiêu mới thông qua hình thức được ủy thác, trong đó, một đa số cụ thể các thành viên EP hoặc các quốc gia thành viên có thể bác bỏ đề xuất nhưng không có quyền đưa đề xuất thay thế.
Các quốc gia thành viên được cho là có thể sẽ không dễ dàng chấp nhận những mục tiêu mà EC áp đặt.
Tuy nhiên, luật này vấp phải chỉ trích của nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg, người cũng tham gia cuộc họp của EC, và các tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi hành động khẩn cấp để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Nữ sinh người Thụy Điển cho rằng mục tiêu trên là quá khiêm tốn, thế giới không chỉ cần những mục tiêu của năm 2030 hay 2050 mà cần hành động ngay từ năm 2020 và sau đó.
Các tổ chức vận động vì môi trường cũng kêu gọi EC đẩy khung thời gian đánh giá mục tiêu khí thải 2030 lên sớm hơn trong khi 12 quốc gia thành viên EU, trong đó có Pháp, Italy và Hà Lan, kêu gọi đánh giá mục tiêu khí thải 2030 vào tháng Sáu tới, để có đủ thời gian cho EU áp dụng mục tiêu mới và tạo sức ép cho các quốc gia phát thải hàng đầu thế giới như Trung Quốc cũng phải tăng cam kết khí hậu trước khi hội nghị của Liên hợp quốc diễn ra.