Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo nhiệt độ tại Nam Cực trong tháng 2 đạt mức cao kỷ lục dẫn đến tình trạng băng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động.
Trạm quan sát Trái Đất của NASA vừa công bố hai bức ảnh được chụp từ vệ tinh Landsat cách nhau 8 ngày (ngày 4-2 và 13-2) cho thấy lượng băng thay đổi nhanh chóng trên đảo Eagle tại Nam Cực.
Hình ảnh trước và sau đã chỉ ra rằng lượng băng tuyết đang giảm mạnh dọc theo mũi phía bắc của đảo Eagle. Ở bức ảnh sau còn lộ ra một vùng đất lớn và những ao nước nhỏ màu xanh sáng do băng tan chảy ở vùng giữa đảo.
Cơ sở nghiên cứu Esperanza của Argentina, nằm cách đảo Eagle khoảng 40km, ghi nhận nhiệt độ tại Nam Cực ngày 6-2 là 18,3°C. Đây là mức nhiệt cao nhất của khu vực kể từ khi con người bắt đầu thu thập dữ liệu về khí hậu của Nam Cực. Kỷ lục trước đó là 17,5°C được thiết lập vào ngày 24-3-2015.
Theo tính toán của NASA, cũng trong ngày 6-2, lượng băng tuyết trên đảo Eagle đã giảm 2,54cm và trong 1 tuần sau đó đã giảm 10,2cm trong vòng 1 tuần. Mức tan chảy trên khiến hòn đảo mất 20% lượng tuyết trong mùa này.
Ông Mauri Pelto, nhà nghiên cứu sông băng tại Đại học Nicholas, bang Massachusetts, Mỹ cho hay, lượng băng tan chảy nhanh cả ở Alaska và Greenland, chứ không chỉ riêng Nam Cực. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ trung bình cao. Hiện tượng này chưa từng xảy ra tại Nam Cực cho tới thế kỷ 21 thì giờ lại trở nên phổ biến.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) gọi Nam Cực là một trong những nơi có nhiệt độ tăng nhanh nhất trên Trái Đất. Theo WMO, khu vực này ghi nhận nhiệt độ tăng gần 1,5°C trong 50 năm qua. Hầu hết các sông băng tại đây đang tan chảy.
Gần đây, các nhà khoa học cũng tìm thấy nguồn nước ấm phía dưới sông băng Thwaites tại Nam Cực. Đây là con sông băng có lượng băng tan nhanh nhất thế giới. Trong trường hợp băng trên sông Thwaites tan hết, mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao tới 92cm.
Mai Hà (Theo CBS News)