Ủy ban châu Âu đang cân nhắc trong năm nay nâng mục tiêu khí hậu của Liên minh châu Âu năm 2030 theo hướng cắt giảm 50% hoặc 55% lượng khí nhà kính so với mức năm 1990.
Theo hãng tin Reuters, 12 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đẩy nhanh tiến trình ấn định mục tiêu khí hậu mới vào năm 2030, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) sắp tới.
EC đang cân nhắc trong năm nay nâng mục tiêu khí hậu của EU năm 2030, theo đó cắt giảm 50% hoặc 55% lượng khí nhà kính so với mức năm 1990, thay vì mức tối thiểu 40% như hiện nay. Tuy nhiên, trong một bức thư được 12 quốc gia EU ký tên, các nước này cho rằng EC cần đưa ra một kế hoạch về mục tiêu khí hậu trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ vào tháng 11 tới để các nước thành viên EU có thời gian thông qua mục tiêu cắt giảm cuối cùng.
Bức thư nêu rõ các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên về mục tiêu khí hậu cuối cùng của EU vào năm 2030 cần phải bắt đầu muộn nhất vào tháng 6 tới. Điều này đòi hỏi EC phải đưa ra Kế hoạch Mục tiêu Khí hậu 2030 sớm nhất có thể và tốt nhất là trước tháng 6.
Các nước ký tên trong bức thư gửi EC nói trên gồm Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Luxembourg, Áo, Bồ Đào Nha, Slovenia, Latvia và Pháp.
Theo kế hoạch, các bên tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ nhóm họp tại COP26, được tổ chức ở Glasgow (Scotland) vào tháng 11 tới. Tại hội nghị này, các bên cần phải cam kết thực hiện các mục tiêu khó khăn hơn về giảm phát thải.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mỗi quốc gia cam kết cắt giảm lượng khí thải trong nước. Tuy nhiên, với những cam kết hiện tại của các nước, nhiệt độ toàn cầu vẫn có nguy cơ tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này, cao hơn nhiều so với mức mà các nhà khoa học cho rằng có thể tránh được những tác động tàn phá nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.