Các khu rừng đặc dụng Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Nhiều khu rừng đặc dụng đã và đang tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái với các hình thức khác nhau.
Đa dạng hóa đầu tư cho rừng đặc dụng – Bài 1
Hiện nay, có 61/176 khu (chiếm gần 35%), trong đó có 25/34 vườn quốc gia (chiếm 74%) đã thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái. Tuy vậy, số lượng các khu rừng đặc dụng thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái đang rất hạn chế, “lãng phí” tiềm năng tạo nguồn thu rừng.
Thực trạng nguồn thu từ du lịch sinh thái
Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt, Đại học Lâm nghiệp cho biết: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2014 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 khẳng định du lịch sinh thái là một trong ba chức năng nhiệm vụ quan trọng nhất của các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Hiện cả nước có 24/34 vườn quốc gia đã thực hiện kinh doanh du lịch sinh thái, với các hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng: 37 tự tổ chức, 11 tổ chức liên doanh, liên kết, 13 cho thuê môi trường rừng…
Việc thúc đẩy, tạo cơ chế tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước sẽ góp phần tạo bước đệm cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện phương án tự chủ. Trong đó, cơ chế quản lý tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, kích thích tính năng động, sáng tạo của ban quản lý các vườn quốc gia, khu bảo tồn; khuyến khích lợi ích vật chất đối với các hoạt động, các sáng kiến tăng nguồn thu ngoài ngân sách, nhất là nguồn thu từ kinh doanh du lịch sinh thái.
Tại một số vườn quốc gia, hình thức cho thuê môi trường rừng đang góp phần thu hút lượng lớn khách và đóng góp tích cực vào việc tăng nguồn thu cho các vườn quốc gia (chưa tính đến chi phí họ tự bỏ ra để bảo vệ diện tích rừng được thuê).
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục lâm nghiệp tại hội thảo “Tương lai rừng cộng đồng ở Việt Nam: Định hình và kiến nghị chính sách” diễn ra ngày 9/1/2020, tại Hà Nội, cho thấy trong 3 năm trở lại đây, hệ thống khu rừng đặc dụng đã đón tiếp 1.153.858 lượt khách (tăng 8% so với những năm trước), tốc độ phát triển bình quân trong 3 năm đạt 116,8% so với kế hoạch.
Về kết quả thực hiện hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam cho thấy, phân bố khách đến các vườn quốc gia và các vhu bảo tồn ở Việt Nam không đều. Một số vườn quốc gia có điều kiện thuận lợi về giao thông hoặc có sự hấp dẫn đặc biệt về tài nguyên du lịch có khả năng đón được lượng khách lớn và đều đặn qua các năm. Năm 2016, có 7 vườn quốc gia có số lượng khách và doanh thu từ nguồn thu phí và lệ phí trên 3 tỷ đồng gồm: Vườn quốc gia Ba Vì đón tiếp trên 241.000 lượt khách (doanh thu đạt 8,4 tỷ đồng); Vườn quốc gia Cát Tiên đón tiếp 31.000 lượt khách (doanh thu 9,3 tỷ đồng); Vườn quốc gia Cúc Phương đón 82.500 lượt khách (doanh thu 5,15 tỷ đồng); Vườn quốc gia Hoàng Liên đón 94.000 lượt khách (doanh thu đạt 6,3 tỷ đồng); Vườn quốc gia U Minh Thượng và Tràm Chim trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vẫn tiếp tục dẫn đầu với việc đón tiếp một lượng khách lên đến 655.748 lượt, doanh thu đạt 68,5 tỷ đồng, tăng gần 26 tỷ đồng so với năm 2015 (42,3 tỷ đồng).
Nguyên nhân chênh lệch về số lượng khách, nguồn thu là do sự khác nhau về vị trí địa lý; về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; trình độ tổ chức, quản lý, trình độ nhân lực, mức độ chuyên nghiệp trong hoạt động dịch vụ du lịch; hình thức kinh doanh, các loại hình du lịch sinh thái… Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên sự hài lòng của du khách, tạo uy tín, thương hiệu của điểm đến du lịch, là lợi thế trong kinh doanh của Vườn quốc gia.
Về cơ cấu nguồn thu qua kết quả nghiên cứu tại 33 vườn quốc gia, khu bảo tồn cho thấy, nguồn thu từ du lịch sinh thái (thu phí tham quan, dịch vụ du lịch sinh thái, thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái, liên doanh liên kết phát triển du lịch sinh thái) còn khiêm tốn nhưng phần đóng góp vào ngân sách nhà nước và đầu tư lại cho bảo tồn thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý rừng. Ngoài ra, còn các giá trị rất lớn khác chưa được tính đến đó là nâng cao sự hiểu biết của khách du lịch về tài nguyên rừng, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, quảng bá những giá trị của rừng đến cho các thế hệ.
Thuê môi trường rừng – còn nhiều thách thức
Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện có 13 khu vực được cho thuê môi trường rừng nhưng mới thí điểm cho thuê môi trường rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì (từ năm 2003), Vườn Quốc gia Cúc Phương, Budop – Núi Bà (hiện đang xây đề án). Các hình thức cho thuê môi trường rừng (rừng đặc dụng và rừng phòng hộ) chủ yếu là du lịch và phát triển dược liệu. Cùng với đó, vẫn thiếu chương trình, đề án chung để thực hiện hoạt động tăng nguồn thu đầu tư cho rừng đặc dụng và rừng phòng hộ như ở Vườn Quốc gia Ba Vì có 22 khu sinh thái trong Vườn Quốc gia, trong đó một số khu có diện tích 1/2 trong Vườn Quốc gia, 1/2 ở bên ngoài nên không triển khai được việc cho thuê môi trường rừng hay chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Điều 32 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng “do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng”. Quy định rất bất cập dẫn đến việc không thu được (nếu doanh nghiệp lỗ) hoặc thu quá thấp từ cho thuê môi trường rừng so với các dịch vụ khác, ông Nguyễn Quốc Dựng cho biết thêm.
Theo Báo cáo của Vườn Quốc gia Ba Vì, Vườn Quốc gia cho thuê 11 khu vực sinh thái trong Vườn Quốc gia chỉ thu được 800 triệu đồng (chiếm 4% nguồn thu từ du lịch sinh thái) trong khi chỉ nguồn thu từ tiền giữ xe ở Vườn Quốc gia đã là 1 tỷ đồng. Hay ở Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cho thuê môi trường Động Thiên Đường được 1 tỷ đồng/năm so với 300 tỷ đồng thu từ các dịch vụ du lịch hàng năm của Vườn Quốc gia này…
Có thể nhận thấy, để phát triển kinh doanh du lịch sinh thái nhằm gia tăng nguồn thu, nâng cao khả năng tự chủ tài chính, ngoài các yếu tố về lợi thế, tiềm năng, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cần nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp, ngành về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch sinh thái, quản lý du lịch sinh thái bền vững.