Thời gian qua, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho rừng đặc dụng là hướng đi Chính phủ áp dụng nhằm cải thiện các dòng tài chính đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và bảo tồn; đồng thời, giúp giải quyết được cả hai khía cạnh là doanh thu và đầu tư cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và bảo tồn rừng.
Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng này đã và đang gặp phải rất nhiều tranh cãi, không chỉ bởi những cơ hội mà còn vì cả những khó khăn, rủi ro. Vì vậy, cần có những giải pháp tài chính bền vững cho quản lý, đầu tư và phát triển hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
“Tiềm năng” song hành cùng rủi ro
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ sinh học đa dạng trên thế giới nhưng nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ngày một suy giảm. Để giải quyết vấn đề, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, Luật Đất đai 1993, đồng thời, thay đổi cách tiếp cận từ “rừng sản xuất và khai thác” sang “bảo tồn thiên nhiên”. Theo đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, hệ thống các khu rừng đặc dụng từng bước được thiết lập để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái rừng quốc gia, nguồn gen thực vật, động vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch”.
Theo ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc đầu tư vào hệ thống các khu rừng đặc dụng được hiểu là để bảo tồn rừng đặc dụng; xây dựng và phát triển rừng phù hợp với nhu cầu bảo tồn; tổ chức bộ máy quản lý, duy trì nguồn nhân lực để bảo vệ và bảo tồn rừng; sử dụng các lợi ích từ bảo tồn rừng…
Trách nhiệm đầu tư chính trong bảo vệ các khu rừng đặc dụng bởi lợi ích mà các khu rừng đem lại cho toàn xã hội lâu dài. Hơn nữa, lợi ích này hầu như vượt ra ngoài lãnh thổ một quốc gia nên Nhà nước trực tiếp quản lý và bảo vệ các khu rừng đặc dụng bằng hệ thống luật pháp (kể cả việc ban hành và thực thi) và nguồn lực tài chính cần thiết. Tuy vậy, không phải lúc nào ngân sách nhà nước cũng luôn đáp ứng nên cần huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực từ cộng đồng và các nguồn lực quốc tế đầu tư cho hệ thống các khu rừng đặc dụng.
Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra, Quy hoạch Rừng (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng: Thực tế, xu hướng này đã và đang gặp phải nhiều tranh cãi bởi cùng những cơ hội còn nhiều những khó khăn, rủi ro. Cụ thể, tiềm năng kinh doanh du lịch không phải khu rừng đặc dụng nào cũng có hay có thể thực hiện kinh doanh; nguồn thu từ bán vé du lịch hay cho thuê môi trường rừng cũng không đạt như kỳ vọng. Tình trạng kinh doanh không hiệu quả đôi khi do cơ chế phân bổ và định giá kém, đôi khi do tư duy thị trường, khả năng xây dựng sản phẩm hay định giá sản phẩm du lịch không cao. Các hình thức đầu tư tư nhân dưới dạng tài trợ thường ngắn và mục tiêu thay đổi liên tục trong khi rừng đặc dụng vốn được coi là tài sản công, việc bảo vệ và gìn giữ rừng đặc dụng là để đảm bảo cung cấp các lợi ích công cho xã hội, thay vì cho mục tiêu thương mại tư nhân.
Theo kinh nghiệm trên thế giới, nếu không có cơ chế phù hợp, hình thức hợp tác kinh doanh trong rừng đặc dụng dễ dàng bị biến tướng thành các dạng tham nhũng tài sản công hoặc “chiếm dụng xanh” (green-grabbing), khi các dự án nhân danh mục tiêu bảo tồn lại tập trung vào mục tiêu thương mại và lợi nhuận tư thay vì các lợi ích công. Ngoài ra việc “kinh doanh, thương mại hóa” rừng đặc dụng cũng dẫn tới những quan ngại về việc thực hiện chức năng quản lý, có thể xảy ra các trường hợp tập trung quá mức vào khía cạnh nguồn thu mà bỏ qua việc sử dụng nguồn thu một cách hiệu quả vào nhiệm vụ bảo tồn.
Hướng tới tự chủ tài chính cho rừng
“Luật Lâm nghiệp 2017 đã có các chủ trương về xã hội hóa ngành lâm nghiệp, với sự chuyển dịch từ khai thác, bảo vệ rừng sang định hướng thương mại hóa, quản lý bền vững, hướng tới lợi ích kinh tế, hệ thống rừng đặc dụng hiện cũng nằm trong xu hướng chuyển dịch”.
Việc đa dạng hóa nguồn thu đã nghiên cứu, đề xuất chính sách cho thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái gắn với các quy định rõ ràng, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để thu hút nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào khai thác dịch vụ môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái.
Để thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, ông Nguyễn Hữu Dũng, Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng chiến lược phát triển du lịch sinh thái, sớm xây dựng định hướng phát triển trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, từng Vườn quốc gia, Khu bảo tồn. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tiềm năng và quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo vùng lãnh thổ, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn… đảm bảo phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách rõ ràng trong quản lý hoạt động du lịch sinh thái, thuê môi trường rừng, quản lý tài chính, trách nhiệm chi trả của các đối tượng hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng trong kinh doanh du lịch sinh thái…
Không chỉ đa dạng hóa nguồn thu và giảm áp lực phụ thuộc ngân sách, tự chủ về tài chính, xu hướng gần đây được cơ quan nhà nước khuyến khích tại một số Vườn quốc gia, Khu bảo tồn là các sáng kiến chi trả dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ carbon rừng (cung cấp dịch vụ công), kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng, đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng… hiện đã và đang được thí điểm, nhân rộng trong toàn hệ thống. Ngoài ra, việc đa dạng hóa nguồn thu còn gặp một số thách thức như: Tính toàn vẹn của nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, công tác quản lý rừng và kiểm soát lâm sản gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; nạn mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp; khai thác khoáng sản (khai thác cát và các kim loại quý)…
Chính sách pháp luật quy định về tự chủ tài chính chưa gắn kết với tự chủ tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động; Chiến lược và lộ trình tự chủ chưa thực sự rõ ràng; chất lượng nguồn nhân lực (trình độ, kỹ năng, thái độ) còn chưa đảm bảo; chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hoàn thiện; công tác truyền thông, quảng bá chưa được quan tâm đúng mực… Đáng chú ý là khả năng tiếp cận, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư do địa bàn rừng trải rộng, nằm ở vùng sâu, vùng xa….
Thời gian tới, Việt Nam cần có điều kiện, định hướng để thực hiện tự chủ và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của thực hiện quyền tự chủ; tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh để thúc đẩy du lịch sinh thái; tăng cường hợp tác, liên kết và cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, phát triển sinh vật (cây dược liệu, cây có giá trị kinh tế cao); thúc đẩy giao khoán, kiểm soát công việc theo kết quả đầu ra; ứng dụng công nghệ tiên tiến đầu tư cho rừng đặc dụng.
Bài cuối: Tạo nguồn thu từ du lịch sinh thái