Cuộc đua truy tìm nguồn gốc virus corona ở động vật hoang dã

Một nơi nào đó ở Trung Quốc, một con dơi bay ngang bầu trời và có thể để lại dấu vết của coronavirus trong phân rơi xuống nền rừng. Một cá thể động vật hoang dã, có thể là một con tê tê đang tìm côn trùng giữa những chiếc lá bị nhiễm trùng từ phân dơi.

Virus chủng mới lan truyền trong động vật hoang dã. Cuối cùng, một con vật bị nhiễm bệnh bị bắt và một người nào đó mắc bệnh rồi người đó truyền bệnh lại cho những người làm việc tại một khu chợ bán động vật hoang dã. Vậy là một ổ dịch toàn cầu được sinh ra.

Giới khoa học đang cố gắng chứng minh kịch bản này là thật khi dốc sức để tìm ra động vật hoang dã chứa virus. Giáo sư Andrew Cunningham thuộc Hiệp hội Động vật học London (ZSL) cho rằng tìm ra chuỗi các phân cảnh của kịch bản trên là “một mẩu câu chuyện trinh thám”. Nhiều loài động vật hoang dã có thể là vật chủ, đặc biệt là dơi – loài chứa một số lượng lớn các coronavirus khác nhau.

Vậy chúng ta hiểu biết bao nhiêu về “lây nhiễm lan tỏa”, liệu có giống như trong thương mại? Khi các nhà khoa học bẻ khóa được bộ mã gien của virus mới, lấy từ cơ thể một bệnh nhân, dơi Trung Quốc liền bị liên lụy.

Tê tê – một trong những loài bị buôn bán nhiều nhất. (Ảnh: Tulshi Laxmi Suwal/SMCRF)

Loài động vật có vú này thường tụ tập hợp thành đàn lớn, bay một quãng đường dài và hiện diện ở mọi châu lục. Bản thân chúng hiếm khi bị bệnh nhưng có cơ hội lây lan mầm bệnh vừa xa và vừa rộng. Theo Giáo sư Kate Jones thuộc Đại học London, có một số bằng chứng rằng dơi đã thích nghi với nhu cầu năng lượng trong quãng đường bay và sửa chữa tốt hơn các tổn hại DNA.

“Điều này cho phép chúng đối phó với gánh nặng virus cao hơn trước khi bị bệnh – nhưng hiện tại đây mới chỉ là ý tưởng”.

Không nghi ngờ gì rằng hành vi của dơi cho phép vi rút phát triển mạnh. “Khi bạn xem xét chính cách chúng sống thì sẽ thấy chúng có một lượng lớn virus. Chúng là động vật có vú, có khả năng một số cá thể lây nhiễm trực tiếp cho con người hoặc thông qua một loài vật chủ trung gian nào đó”, Giáo sư Jonathan Ball thuộc Đại học Nottingham nói.

Vế thứ hai của bài toán là nhận dạng loài vật bí ẩn đã gieo virus vào cơ thể dơi để rồi kết thúc ở khu chợ tại Vũ Hán. Tê tê là loài đáng nghi.

Loài động vật ăn kiến này được coi là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, đang bị đe dọa tuyệt chủng. Vảy tê tê được ưa chuộng ở châu Á để sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong khi thịt tê tê được một số vùng coi là đặc sản.

Các loại coronavirus được tìm thấy ở tê tê, một số loại được xác nhận là phù hợp với chủng virus mới trên người. Có phải virus dơi và virus tê tê đã trao đổi gen trước khi lây sang người? Giới chuyên gia tỏ ra thận trọng trong việc đưa ra bất kỳ kết luận nào. Dữ liệu đầy đủ về nghiên cứu tê tê chưa được công bố nên không thể xác minh thông tin.

Giáo sư Cunningham nói rằng nguồn gốc và số lượng tê tê được dùng cho nghiên cứu này là đặc biệt quan trọng.

“Ví dụ, liệu lấy mẫu là trực tiếp từ nhiều động vật trong tự nhiên (trong trường hợp này kết quả sẽ có ý nghĩa hơn) hoặc từ một động vật duy nhất trong ​​môi trường nuôi nhốt hoặc từ chợ tươi sống (trong trường hợp này kết luận về vật chủ thực sự của virus không thuyết phục lắm)?”.

Tê tê và các loài hoang dã khác, kể cả nhiều loài dơi thường được bán ở các chợ tươi sống, tạo cơ hội cho virus di chuyển từ loài này sang loài khác.

“Do đó, chợ tươi sống là điều kiện lý tưởng để mầm bệnh lan truyền từ loài này sang loài khác, bao gồm cả con người”.

Chợ ở Vũ Hán (đã bị đóng cửa sau khi dịch bệnh bùng phát) có một khu dành riêng cho động vật hoang dã, nơi bán các loài còn sống và giết mổ tại chỗ, các bộ phận lạc đà, gấu túi và chim. Theo tờ Guardian thì chỉ một cửa hàng mà bán đủ động vật sống gồm sói, kim thiền, bọ cạp, dúi, sóc, cáo, cầy hương, nhím, kỳ giông, rùa và cá sấu.

Giáo sư Ball cho biết dơi và tê tê không có trong danh sách trên nhưng chính quyền Trung Quốc sẽ có thông tin về những động vật nào bị bán.

“Nếu lây nhiễm lan tỏa đã xảy ra một lần, bạn cần biết liệu điều này có xảy ra lần nữa hay không, câu trả lời là rất quan trọng, nhất là từ quan điểm y tế công. Vì vậy, bạn cần phải biết chính xác loài động vật nào chứa virus và rủi ro nào đã dẫn đến sự lây nhiễm đó”.

Nhiều loại virus mà chúng ta quen thuộc trong những năm gần đây đã lây lan từ động vật hoang dã. Đó là Ebola, HIV, Sars và bây giờ là Coronavirus. Giáo sư Jones chỉ rõ sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã có thể là do chúng ta ngày càng có khả năng phát hiện, kết nối với nhau hoặc lấn sâu hơn vào môi trường sống hoang dã, do đó “thay đổi cảnh quan và tiếp xúc với virus mới là những điều quần thể người chưa từng thấy trước đây”.

Nếu hiểu được các yếu tố rủi ro, chúng ta có thể thực hiện các bước ngăn chặn ngay từ đầu mà không ảnh hưởng xấu đến động vật hoang dã, theo Giáo sư Cunningham. Giới bảo tồn đang đau đầu để chỉ ra rằng dù dơi được cho là mang nhiều virus nhưng chúng cũng rất thiết yếu cho hệ sinh thái có thể hoạt động. “Dơi ăn côn trùng ăn một lượng lớn muỗi và sâu hại nông nghiệp trong khi dơi ăn quả thụ phấn cho cây và phát tán hạt. Điều khẩn thiết là không được phép nhân danh các biện pháp “kiểm soát dịch bệnh” sai lầm để tiêu diệt các loài này”.

Sau Sars năm 2002-2003, do một chủng coronavirus rất giống với chủng hiện tại ở Trung Quốc và các nước khác, nước này đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với các chợ động vật hoang dã. Nhưng chợ nhanh chóng tái xuất trên khắp Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á.

Trung Quốc một lần nữa đình chỉ mua bán các sản phẩm động vật hoang dã, thường được dùng để ăn, lấy lông hoặc làm thuốc. Lệnh cấm này có thể trở thành vĩnh viễn.

Dù chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác căn bệnh chết người này khởi nguồn như thế nào hoặc ở đâu, Giáo sư Diana Bell thuộc Đại học East Anglia nói rằng chúng ta có thể ngăn chặn một “cơn bão hoàn hảo” khác.

“Con người ta đang mang động vật từ các quốc gia khác nhau, các sinh cảnh khác nhau, lối sống khác nhau – theo nhóm động vật thủy sinh, động vật sống trên cây… – rồi trộn chúng lại với nhau và đấy là một dạng biến đổi. Chúng ta phải chấm dứt điều đó”.

Nhật Anh (Theo BBC)

Nguồn: