Covid-19 phơi bày quy mô ngành công nghiệp nuôi nhốt ĐVHD ở Trung Quốc

Gần 20.000 trang trại động vật hoang dã nuôi các loài gồm chim công, cầy hương, nhím, đà điểu, ngỗng trời và lợn lòi đã bị đóng cửa trên khắp Trung Quốc do virus corona, qua đó phơi bày quy mô chưa ai được biết về ngành công nghiệp này.

Thịt động vật hoang dã tươi sống được ưa chuộng hơn thịt đã giết sẵn. (Ảnh: Visual China Group/Getty)

Cho đến vài tuần trước đây, nuôi động vật hoang dã vẫn được các cơ quan chính phủ Trung Quốc thúc đẩy là một cách dễ dàng để người dân nông thôn làm giàu.

Nhưng dịch Covid-19 – được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã bán tại một khu chợ ở Vũ Hán vào đầu tháng 12 năm ngoái khiến chính quyền phải suy nghĩ lại về cách quản lý buôn bán loại hàng này.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với buôn bán động vật hoang dã nhằm hạn chế sự lây lan của virus vào cuối tháng 1 rồi trấn áp gắt gao ở phạm vi rộng đối với các cơ sở chăn nuôi vào đầu tháng 2.

Cầy hương – dù bị cho là có thể chứa vius Sars – vẫn được nuôi lấy thịt khá phổ biến ở Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty)

Các quan chức lập pháp hàng đầu hiện đang gấp rút sửa đổi luật bảo vệ động vật hoang dã và có thể thay đổi các chế tài xử phạt việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm và làm thuốc.

Luật hiện tại bị các nhóm bảo tồn động vật hoang dã coi là có vấn đề vì tập trung vào tận dụng hơn là bảo vệ động vật hoang dã.

“Dịch virus corona đang nhanh chóng thúc đẩy Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ với động vật hoang dã. Mức độ rủi ro từ quy mô chăn nuôi các loài hoang dã đến sức khỏe con người và tác động đến quần thể của chúng trong tự nhiên khá cao”, theo Steve Blake, đại diện trưởng WildAid tại Bắc Kinh.

Trong vài năm qua, lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng rằng “huần hóa động vật hoang dã” nên là một phần quan trọng trong công cuộc phát triển nông thôn, du lịch sinh thái và xóa đói giảm nghèo. Một báo cáo về sự phát triển của ngành chăn nuôi động vật hoang dã được Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017 đã định giá ngành công nghiệp này ở mức 520 tỷ nhân dân tệ, tương đương 57 tỷ bảng Anh.

Chỉ vài tuần trước khi dịch bệnh bùng phát, Cục Lâm nghiệp Trung Quốc (SFGA) vẫn tích cực khuyến khích người dân nuôi động vật hoang dã như cầy hương (được xác định là chứa virus Sars – bệnh tương tự Covid-19). SFGA quản lý việc chăn nuôi và buôn bán động vật hoang dã trên cạn, đồng thời cấp hạn ngạch các sản phẩm động vật hoang dã – chẳng hạn vảy tê tê – được cho phép sử dụng trong ngành y học cổ truyền Trung Quốc.

Nhân giống các loài như dúi được coi là cách giảm nghèo chủ yếu ở nông thôn. (Ảnh: Zhang Ailin/Alamy)

“Tại sao cầy hương vẫn được khuyến khích [ăn] sau khi dịch Sars bùng phát năm 2003? Có thể là vì thợ săn, người vận hành, người chăn nuôi cần điều đó. Họ nhân danh phát triển kinh tế để kêu gọi chính phủ hỗ trợ họ”, Tổng thư ký Tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển xanh Trung Quốc (CBCGDF) Jinfeng Zhou chỉ rõ.

Trên truyền hình nhà nước, series nổi tiếng Bí mật làm giàu được phát sóng từ năm 2001 thường ca ngợi hoạt động chăn nuôi (dúi, rắn, cóc, nhím và sóc) đều có vai trò quan trọng. Nhưng ít ai biết được quy mô của ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã trước khi virus corona bùng phát. Nguyên nhân là do giấy phép chủ yếu do các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh và địa phương cấp mà những cơ quan này không tiết lộ thông tin đầy đủ về các hoạt động chăn nuôi họ theo dõi. Bản tin do Tân Hoa Xã phát ngày 17/2 tiết lộ rằng từ năm 2005-2013, Cục Lâm nghiệp chỉ cấp 3.725 giấy phép ở cấp quốc gia.

Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, ít nhất 19.000 trang trại trên khắp đất nước đã đóng cửa, trong đó có khoảng 4.600 trại ở tỉnh Cát Lâm – trung tâm lớn về y học cổ truyền Trung Quốc. Khoảng 3.900 cơ sở nuôi động vật hoang dã cũng đã bị đóng cửa ở tỉnh Hồ Nam, và tương tự con số 2.900 ở Tứ Xuyên, 2.300 ở Vân Nam, 2.000 ở Liêu Ninh và 1.000 ở Thiểm Tây.

Người nuôi công dùng túi nilon đựng chim khi gửi đi để tránh bị rụng lông. (Ảnh: Visual China Group/Getty)

Có rất ít thông tin chi tiết về các loài động vật được nuôi trên khắp Trung Quốc nhưng báo chí địa phương đề cập đến cầy hương, dúi, đà điểu, lợn rừng, hươu sao, cáo, đà điểu, chim công xanh, gà tây, chim cút, gà lôi, ngỗng trời, vịt cổ xanh, bồ câu và trĩ đỏ.

Các báo cũng không cung cấp nhiều chi tiết về việc đóng cửa trại nuôi và những gì đang xảy ra với các con vật mặc dù Blake không cho rằng chúng bị tiêu hủy do vấn đề về bồi thường.

Chen Hong, một nông dân nuôi công ở Lưu Dương, Hồ Nam cho biết cô quan tâm đến thiệt hại và liệu mình có được bồi thường sau khi cơ sở bị đình chỉ vào ngày 24/1.

“Hiện tại, chúng tôi không được phép bán, vận chuyển hoặc để bất cứ ai gần động vật, chúng tôi phải vệ sinh chuồng trại mỗi ngày một lần. Thường thì vào thời gian này trong năm, trang trại của chúng tôi nhộn nhịp khách khứa. Chúng tôi chưa được thông báo phải làm gì, công vẫn ở đây, và chúng tôi cũng không biết phải làm gì với [chúng] cho đến khi dịch bệnh được kiềm chế”.

“Tôi rất lo cho tương lai của trang trại. Việc đóng cửa gây thiệt hại 400.000 – 500.000 nhân dân tệ (44.000 – 55.000 bảng Anh) và nếu họ quyết định cấm hoàn toàn việc nuôi chim công, chúng tôi sẽ mất nhiều hơn, ít nhất là một triệu nhân dân tệ (110.000 bảng Anh )”.

Trong chuyến đi đến Thiều Quan ở tỉnh Quảng Đông vào năm ngoái, phóng viên Guardian và nhân viên CBCGDF phát hiện một cơ sở chuồng trại trước đây được sử dụng để nhân giống tê tê – loài khét tiếng khó sinh sản. Hiện không còn tê tê tại đó nhưng một vài người dân địa phương sống gần cơ sở xác nhận loài này từng được nuôi ở cơ sở này cùng với khỉ và các động vật hoang dã khác.

Bên cạnh mục đích làm thuốc, phần lớn thịt động vật hoang dã được bán qua các nền tảng trực tuyến hoặc ở “các chợ tươi sống” như tại Vũ Hán.

Deborah Cao, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Griffith ở Úc và là chuyên gia bảo vệ động vật tại Trung Quốc cho biết: “Mọi động vật hoặc bộ phận cơ thể của chúng mà con người tiêu thụ đều phải trải qua kiểm dịch thực phẩm và y tế nhưng tôi không nghĩ rằng những người bán hàng thấy điều đó là cần thiết. Hầu hết số thịt này [đã được] bán mà không phải trải qua kiểm dịch y tế”.

Thành phố Trương Gia Khẩu có tới hơn 1.500 doanh nghiệp chế biến lông thú, kể cả lông chồn và gấu trúc Bắc Mỹ. (Ảnh: Greg Baker/Getty)

Đã có những lời kêu gọi sửa đổi toàn diện các quy định để loại bỏ các nhiệm vụ mâu thuẫn nhau của Cục Lâm nghiệp và thay đổi tư duy của chính phủ để không thúc đẩy việc sử dụng mà hướng tới bảo vệ động vật hoang dã.

“Khó khăn lớn nhất cần giải quyết là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đó bởi mục tiêu ban đầu của Cục Lâm nghiệp khi được thành lập là để giám sát sản xuất gỗ, còn bảo vệ chỉ là suy nghĩ mang tính ăn theo thôi”, nhà vận động cấp cao thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh ở Đông Á Li Shuo phân tích.

Các đề xuất bao gồm cấm hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã được bảo vệ hoặc nguy cấp trong và ngoài Trung Quốc cộng với cấm nuôi và bán thịt từ những loài đã được chứng minh là mang mầm bệnh ảnh hưởng đến con người như cầy hương, dơi và các loài gặm nhấm.

Có những lo ngại rằng để ngăn chặn dịch bệnh, nhà chức trách có thể đi quá xa trong việc tiêu hủy các động vật hoang dã có thể mang mầm bệnh.

“Một số giáo sư luật đã đề nghị “giết chết sinh thái” động vật hoang dã truyền bệnh như tê tê, nhím, dơi, rắn và một số côn trùng. Chúng tôi tin rằng các nhà lập pháp cần tìm hiểu [thêm về] đa dạng sinh học trước khi tư vấn sửa đổi luật hoặc họ sẽ gây ra thảm họa”, Jinfeng Zhou phân tích.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: