Để thuận lợi cho việc vận chuyển gỗ đơn vị trúng thầu dự án khai thác rừng sản xuất đã ngang nhiên cho máy ủi, san gạt mở rộng đường đi qua rừng đặc dụng cũng là Khu bảo tồn thiên nhiên huyện ĐaKrông khi chưa được cơ quan đủ thẩm quyền cấp phép.
Mập mờ việc thẩm định rừng thanh lý?
Rừng trồng Dự án JBIC được thực hiện vào năm 2003, 2005, mục đích ban đầu là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn tại xã Ba Lòng (thuộc các tiểu khu 827, 833B; gồm 105 lô; tổng diện tích 310,8 ha) và xã Hải Phúc (thuộc các tiểu khu 847, NTK; gồm 55 lô; tổng diện tích 197,3 ha), huyện Đakrông.
Năm 2007, thực hiện việc rà soát, chuyển đổi ba loại rừng, toàn bộ diện tích rừng trồng JIBIC trên địa bàn 02 xã Ba Lòng và Hải Phúc thuộc đối tượng rừng phòng hộ chuyển sang rừng trồng sản xuất theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 27 tháng 04 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Trị. Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bàn giao cho UBND các xã Ba Lòng và Hải Phúc tất cả các diện tích rừng trồng JIBIC trên địa bàn để quản lý.
Ngày 20/4/2018, UBND huyện Đakrông có Tờ trình số 41/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Sở NNPTNT về việc xin chủ trương thanh lý rừng trồng JBIC. Lý do xin thanh rừng được UBND huyện ĐaKrông đánh giá do trên địa bàn các xã Ba Lòng và Hải Phúc đang quản lý 508,6 ha, ha rừng trông hộ giao Sao đen/Thông với cây phù trợ là cây Keo tai tượng, được trông bằng nguồn vốn của dự án JIBIC. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng có mật độ thưa phân bố rải rác, manh mún, không có hiệu quả, thực bì lau lách nhiều tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Ngày 28/5/2018, UBND tỉnh Quảng Trị có Công văn số 2118/UBND-NN, Đồng ý để UBND xã Hải Phúc và Ba Lòng lập hồ sơ thiết kế khai thác thanh lý rừng trồng dự án JBIC. Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định (Báo cáo số 396/BC-SNN ngày 25/12/2018) và UBND tỉnh Quảng Trị nhất trí (Văn bản số 5985/UBND-NN ngày 28/12/2018).
Theo đó, khối lượng kiểm tra, khảo sát thanh lý rừng JBIC tại Xã Ba Lòng: tổng diện tích 310,8 ha, trong đó: diện tích rừng có trữ lượng gỗ khai thác. 116,9 ha, diện tích không có trữ lượng: 193,9 ha; tổng trữ lượng 10.993,5 m3, tổng sản lượng: 9.344,6 m3 (gỗ: 7.695,5 m3, củi: 1.649,1 m3). Tại xã Hải Phúc: tổng diện tích 197,3 ha, trong đó: diện tích rừng có trữ lượng gỗ khai thác: 99,4 ha, diện tích không có trữ lượng: 98,4 ha; tổng trữ lượng: 8.254,8 m3; tổng sản lượng: 7.016,6 m3 (gỗ: 5.778,4 m3, củi: 1.238,2 m3). Đơn vị khảo sát, lập hồ sơ thanh lý rừng trồng JBIC là do Trung tâm Điều tra Quy hoạch thiết kế Nông – Lâm Quảng Trị thực hiện.
Việc đấu giá thanh lý diện tích rừng trồng JBIC được hoàn thành vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ về việc đấu giá diện tích rừng tại 2 địa phương này chỉ có một cá nhân trúng thầu. Giá trúng gói thầu không cao hơn bao nhiêu so với giá khởi điểm: tại xã Ba Lòng diện tích rừng có trữ lượng gỗ là 116,9 ha, giá khởi điểm hơn 2,2 tỷ đồng đấu, giá trúng thầu hơn 2,4 tỷ đồng; xã Hải Phúc diện tích rừng có trữ lượng gỗ là 99,4 ha, giá khởi điểm 2,2 tỷ đồng, trúng thầu với giá hơn 2,4 tỷ đồng. Người dân cho rằng việc đấu giá thấp gây thất ngân sách nhà nước và không đúng với thực tế.
Điều khó hiểu là, tại tờ trình số 46/TTr-UBND ngày 30/8/2018 của UBND xã Hải Phúc xin phê duyệt hồ sơ thanh lý rừng trồng kém chất lượng để giao đất trồng lại rừng, trong đó diện tích có trữ lượng gỗ tận thu là 99,4 ha; Tổng số cây chặt hạ là 26.270 cây. Tuy nhiên, tại tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 29/8/2019 của UBND xã Hải Phúc, phương án khai thác diện tích có trữ lượng gỗ chỉ lại còn 96,9 ha, số cây chặt chỉ còn lại 22.454 cây. Chỉ sau một năm hơn 4.000 cây gỗ “biến mất”.
Mở đường qua rừng đặc dụng để vận chuyển gỗ?
Để nắm rõ hơn về dự án thanh lý rừng JBIC này, chúng tôi đã có cuộc trao với ông Hồ Xuân Hoàng – Chủ tịch UBND xã Hải Phúc. Ông Hoàng cho biết: “Trước đây diện tích rừng này trồng theo Dự án JBIC do Lâm trường Triệu Hải quản lý, trồng rừng để thành khu vực rừng phòng hộ. Nhưng sau này đánh giá lại thì không đảm bảo, không phù hợp nên chuyển sang rừng sản xuất. Còn các thủ tục kiểm tra, thẩm định, đấu giá đúng với quy định. Còn việc giá đấu thầu thấp hơn so với thực tế thì quy trình đánh giá, thẩm định tài sản là do Sở NN và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Sở Tài chính làm. Giá khởi điểm là 2,2 tỷ còn người đấu trúng là ông Nguyễn Văn Lan với 2,4 tỷ từ tháng 12/2019, giá theo quy định nhà nước bên Trung tâm đấu giá người ta làm”.
Trong khi đó, liên quan đến việc diện tích rừng lớn nhưng giá trúng thầu thấp ông Phan Minh Lộc – Phó chủ tịch UBND xã Ba Lòng lý giải rằng việc đấu giá thấp là do việc vận chuyển gỗ qua sông mất chi phí lớn: “Dự án này đều làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh sau đó được sự đồng ý nên mở thông báo cho đấu giá, hợp đồng với Trung tâm đấu giá tỉnh. Từ năm 2016 đã có các văn bản xin thanh lý rừng này để chuyển qua khai thác. Cuối 2018, xã có tờ trình gửi UBND tỉnh, huyện. Sau khi thống nhất xã đã làm tờ trình xin khai thác để lấy lại diện tích 316 ha để chia lại cho dân sản xuất. Rừng này nếu có cái đường thì cái giá nó khác, trong thiết kế rừng này khai thác sẽ vận chuyển qua sông nên giá đấu nó thấp. Giá đấu khởi điểm là 2,2 tỷ, đấu lên 2,4 tỷ đồng”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tiếp cận hồ sơ dự án, cá nhân trung thầu thì ông Lộc viện lý do địa chính đi vắng và từ chối cung cấp thông tin hồ sơ.
Cũng theo ông Phan Minh Lộc – Phó chủ tịch UBND xã Ba Lòng hồ sơ thiết kế khai thác gỗ khu vực xã Ba Lòng phương án khai thác phải vận chuyển qua đường sông (qua sông Thạch Hãn). Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu đã ngang nhiên cho máy đào và máy ủi san gạt đường lớn đi vào rừng đặc dụng và Khu bảo tồn thiên nhiên huyện ĐaKrông.
Theo ghi nhận của PV, một con đường lớn được máy ủi và máy đào san gạt đi vào sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Đakrông. Máy san ủi đến đâu là các cây cối bị chặt hạ, nhiều cây gỗ có đường kính từ 15-20 cm, con đường này đã kéo dài khoảng 7km đi sâu vào trong rừng.
Trao đổi với PV, qua điện thoại ông Trương Quang Trung – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên huyện ĐaKrông, cho biết: “Việc mở đường hôm UBND xã có văn bản gửi cho em, họ có rừng trồng để khai thác, nhờ đi qua để khai thác giao đất cho dân sản xuất, xã có văn bản em nói để ra tết rồi xử lý. Bọn em không có thẩm quyền để cho đi qua đâu, quan điểm của bọn em làm như thế là sai, bên em đường qua chỉ có 4km. Em có điện cho anh Lan đơn vị trúng thầu rồi”.
Như vậy, có thể thấy rõ dù biết việc đơn vị trúng thầu ngang nhiên đưa máy vào san gạt, chặt hạ cây mở đường trong rừng đặc dụng nhưng Khu bảo tồn thiên ĐaKrông không hề có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!