Cách Hà Nội khoảng 90 km về phía đông nam, Quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình là nơi chứa đựng tinh hoa văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên.
Địa hình đặc trưng của khu vực này là núi đá vôi được hình thành trong các giai đoạn địa chất cuối cùng. Quá trình kiến tạo địa chất trong một thời gian dài đã tạo ra những cảnh quan ngoạn mục với những vách núi dựng đứng, che phủ bởi rừng thường xanh nhiệt đới, bao quanh các thung lũng ngập nước liên thông với vô số hang động và sông suối ngầm. Năm 2014, UNESCO đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp Thiên nhiên và Văn hóa thế giới.
Mặc dù là địa điểm nổi tiếng cả về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và du lịch tâm linh, các nghiên cứu về khu hệ động vật (đặc biệt là côn trùng) ở khu vực này còn rất hạn chế. Các nghiên cứu về khu hệ thủy sinh vùng núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình, bao gồm cả khu vực Tràng An đã ghi nhận sự có mặt ấu trùng của 21 loài côn trùng nước (Trần Đức Lương và cs., 2011). Chưa có thông tin nào về các loài côn trùng trên cạn ở khu vực này được công bố.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Viện Hàn lâm KH&CNVN đã giao đề tài “Nghiên cứu cấu trúc quần xã côn trùng ở Khu Di sản thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình” với mã số VAST.04.06/18-19 cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện từ 1/2018-12/2019. Đề tài thuộc hướng Đa dạng sinh học và các hoạt chất có hoạt tính sinh học, do TS. Phạm Thị Nhị làm chủ nhiệm.
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả sau:
Đã ghi nhận tổng số 604 loài côn trùng thuộc 431 giống, 91 họ, 10 bộ tại khu Di sản thế giới Tràng An. Trong đó đã phát hiện một loài mới cho khoa học thuộc họ ong Kén nhỏ (Hymenoptera: Braconidae): Streblocera (Eutanycerus) trangana Long & Pham (in press). Bên cạnh đó ghi nhận lần đầu 16 loài cho khu hệ côn trùng Việt Nam, bao gồm hai loài thuộc bộ Cánh cứng (Coleoptera), hai loài thuộc bộ Cánh vảy (Lepidoptera) và 12 loài thuộc bộ Cánh màng (Hymenoptera).
Về cấu trúc: Đề tài đã phân tích thành phần các họ, giống, loài trong từng bộ côn trùng. Đã xác định bộ côn trùng chiếm ưu thế về số lượng họ (hai bộ Coleoptera và Lepidoptera), số lượng giống và loài (bộ Lepidoptera). Đã phân tích cấu trúc thành phần loài trong các họ và giống, từ đó xác định họ côn trùng có số loài đa dạng nhất (hai học Noctuidae và Nymphalidae) và giống côn trùng có số loài nhiều nhất (hai giống Aleiodes và Neocollyris). Đề tài cũng xác định các loài côn trùng gây hại cây trồng nông nghiệp, các loài thiên địch và các loài có ý nghĩa kinh tế tại khu vực nghiên cứu.
Đặc điểm phân bố: Đã tiến hành thu mẫu tại 6 địa điểm, phân tích số lượng mẫu tại từng điểm, tìm ra sự tương đồng thành phần loài côn trùng giữa các điểm. Sự phân tích độ tương đồng thành phần loài còn được tiến hành giữa khu Di sản thế giới Tràng An (nhóm Coleoptera và Lepidoptera) với một số địa điểm tại miền Bắc. Đã phân chia các điểm nghiên cứu thành ba dạng sinh cảnh, phân tích số lượng loài, chỉ số đa dạng Shannon-Weiner (H’) và chỉ số phong phú Margalef (d) tại từng sinh cảnh cũng như mức độ tương đồng về thành phần loài giữa các sinh cảnh. Từ đó xác định sinh cảnh có mức độ đa dạng côn trùng cao nhất, thấp nhất tại khu vực nghiên cứu.
Giá trị bảo tồn: Ngoài một loài côn trùng được phát hiện mới cho khoa học, đề tài đã ghi nhận hai loài côn trùng có giá trị bảo tồn tại Khu Di sản thế giới Tràng An, bao gồm:
– Loài Bướm phượng cánh chim chấm rời Troides aeacus aeacus (Họ Bướm phượng Papilioninae). Đây là loài côn trùng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), bậc VU (sẽ nguy cấp);
– Loài bọ hung Cosmiomorpha (Microcosmiomorpha) pacholatkoi Jákl (Họ Bọ hung Scarabaeidae). Đây là loài đặc hữu Việt Nam, trên thế giới, loài này mới ghi nhận ở VQG Tam Đảo và Khu Di sản thế giới Tràng An.
Dựa theo ba tiêu chí bao gồm tổng số loài ghi nhận, tổng số loài có giá trị bảo tồn và chất lượng sinh cảnh, đề tài đã xác định điểm có mức độ ưu tiên bảo tồn cao nhất đối với các loài côn trùng tại khu vực nghiên cứu.
Dựa theo kết quả điều tra thực địa, đã xác định việc xây dựng cơ sở vật chất và phát triển du lịch ít nhiều có tác động đến đa dạng sinh học nói chung và côn trùng nói riêng, làm thu hẹp sinh cảnh sống, thay đổi cảnh quan và chia cắt hệ sinh thái. Từ đó, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị cho công tác bảo tồn.
Về sản phẩm của đề tài: Đề tài đã bàn giao 200 mẫu côn trùng cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và hỗ trợ đào tạo 1 học viên cao học Đại học Sư phạm Hà Nội (đã bảo vệ thành công tháng 11/2019). Nhóm cán bộ nghiên cứu tham gia đề tài đã công bố 02 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI: 01 bài trên tạp chí Zootaxa (SICE), 01 bài trên tạp chí Raffles Bulletin of Zoology (SCI) và 02 bài báo trong nước (Tạp chí Sinh học). Với các kết quả thu được, đề tài đã đánh giá được cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An, một mặt nhằm khám phá giá trị đa dạng sinh học nổi bật của khu di sản thế giới, mặt khác cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững ở danh thắng đặc biệt này của Việt Nam.
Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm đánh giá kết quả đạt loại xuất sắc vào ngày 12/2/2020.
Phạm Thị Nhị (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)