Các dịch vụ từ nền kinh tế chia sẻ đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nỗi lo ngại dịch covid-19 lây lan rộng.
Là một mô hình kinh doanh hướng tới tích hợp, sử dụng chung các nguồn lực đông đảo, mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) đang đứng trước bài test cực lớn về khả năng phù hợp trước đại dịch mang tên COVID-19.
Mới đây hãng taxi công nghệ Grab đã tạm dừng cung cấp dịch vụ dùng chung xe (GrabShare) ở thị trường Singapore ngay sau khi một tài xế taxi và một bác tài thuộc dịch vụ cho thuê xe riêng bị phát hiện dương tính với virus COVID-19. “Do những diễn biến mới nhất, dịch vụ GrabShare sẽ tạm thời không được cung cấp từ ngày 9.2 cho đến khi có thông báo mới. Chúng tôi trân trọng sự thông cảm của các đối tác, đồng thời chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với chính quyền để kiểm soát tình hình”, hãng Grab thông báo.
Là trung tâm tài chính và vận tải của châu Á, Singapore đã phát triển các dịch vụ di động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thống kê cho thấy quốc gia này có tới 77.000 chiếc xe đang tham gia cung ứng dịch vụ cho thuê xe. Việc tạm dừng dịch vụ GrabShare chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của các tài xế.
Hiện ở Việt Nam, hãng Grab chưa có động thái tương tự do dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt. Mặc dù vậy, theo quan sát tại TP.HCM, tâm lý e ngại tiếp xúc với mầm bệnh của người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp taxi và các hãng gọi xe công nghệ. Các dịch vụ gọi xe công nghệ cho biết lượng khách giảm khá mạnh do người dân hạn chế đi lại, cũng đồng thời e ngại dịch bệnh có thể lây lan qua các chuyến xe.
Để trấn an các bác tài, đối tác và khách hàng, Grab Vietnam đã đưa ra thông báo sẽ chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh như khuyến cáo các tài xế đeo khẩu trang đúng cách, hướng dẫn giữ vệ sinh, khử trùng phương tiện hay liên hệ ngay đến cơ quan y tế và tổng đài Grab khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở…
Đối với đối tác là nhà hàng, Grab cũng khuyến cáo cần bảo đảm an toàn khi chế biến và giao đồ ăn như luôn mang găng tay, khử trùng khu vực chế biến thức ăn hay tăng cường thêm một lớp bọc thực phẩm với tem an toàn nhằm đảm bảo thức ăn được giao đến khách hàng một cách an toàn nhất.
Không chỉ có các dịch vụ gọi xe, các mô hình chia sẻ khác như co-working (không gian làm việc chung) hay co-living (không gian sống chung) đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ở Trung Quốc, chuỗi không gian làm việc chung WeWork đã đóng cửa 100 tòa nhà nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân viên và người thuê, đồng thời đưa ra lời khuyên mọi người nên làm việc ở nhà hay tìm một chốn riêng tư để làm việc thay vì tụ tập đông người.
Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để có thể nói các không gian làm việc hay sống chung sẽ chịu thiệt hại nặng do đại dịch COVID-19 gây nên. Tuy nhiên, do là mô hình hướng đến chia sẻ các tiện ích dùng chung (như phòng họp, nhà bếp, coffee shop…), đi cùng đa dạng nguồn khách thuê là người làm việc tự do, các không gian tương tác chung sẽ là môi trường lý tưởng để dịch bệnh có thể phát triển nếu không có kế hoạch phòng tránh.
Chia sẻ với NCĐT, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Hãng tư vấn JLL Vietnam, cho rằng virus cúm gây viêm phổi cấp đang diễn tiến nhanh, do đó còn sớm để suy đoán về tác động ngắn hạn và trung hạn đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Hiện không thể đánh giá chính xác tác động đối với lĩnh vực co-working và co-living. “Tại thời điểm này, lợi ích của không gian linh hoạt vẫn hấp dẫn người thuê và họ có thể không từ bỏ sớm. Nhưng nhân viên có thể sẽ chọn làm việc ở xa văn phòng và xu hướng này sẽ có lợi cho công ty công nghệ đang tập trung phát triển các giải pháp về nơi làm việc”, ông Stephen Wyatt dự đoán.
Theo báo cáo của Savills, chỉ tính từ năm 2018-2019, nguồn cung mặt bằng co-working đã tăng lên 64%. Những thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là Toong, UP, Circo và Dreamplex. Nhu cầu thuê văn phòng có chất lượng cao ở Việt Nam được đánh giá là khả quan trong tương lai khi số lượng khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng nhanh chóng.
Nhưng nếu đại dịch COVID-19 không được kiềm hãm, có thể các nhà phát triển bất động sản nói chung và các chuỗi co-working và co-living tạm dừng triển khai các dự án mới để thích nghi với nhu cầu có thể chững lại, thậm chí sụt giảm mạnh. “Trong ngắn hạn, chúng tôi dự đoán sẽ có nhiều doanh nghiệp ưu tiên giảm chi phí ngắn hạn. Về lâu dài, sự không chắc chắn có thể khiến người thuê phải thận trọng hơn và áp dụng các chiến lược đi thuê bảo thủ hơn”, ông Stephen Wyatt nhận định.