Từ COVID-19 nghĩ về nạn tận diệt động vật hoang dã

Dịch tả lợn được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở Châu Phi. Tính đến cuối năm 2019, toàn bộ 63 tỉnh, thành Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ dịch này với hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy.

Con dơi, con cầy hương nguyên nhân gây dịch SARS, con tê tê được các nhà khoa học nghi ngờ là vật chủ trung gian truyền virus Corona mới.

Đừng nghĩ rằng, các tổ chức quốc tế bảo vệ thiên nhiên “dọa” dân ăn nhậu, để kìm bớt thói thích ăn thịt động vật hoang dã.

Hằng ngày, không ai biết có bao nhiêu con tê tê, cầy hương, vượn, khỉ bị săn bắn, bị bẫy đưa về các quán nhậu. Chỉ biết rằng, thiên nhiên bị tàn phá một cách khủng khiếp, hàng vạn cánh rừng bị đốn hạ, nhiều con vật cư trú trong rừng cũng bị con người sát hại dã man. Con người “ăn thị môi trường” một cách tàn bạo, ăn từ cây rừng cho đến thú rừng.

Báo chí từng đưa nhiều phóng sự về săn bắt, bẫy chim ở nhiều địa phương trong cả nước và từ đó thấy tội ác của con người. Nhiều nơi ở Hà Tĩnh, những chú chim đang lành lặn, bị người dân lấy kim chỉ khâu mắt, biến thành mù để làm mồi nhử những chú chim khác dính bẫy.

Nhiều địa phương khác như Bình Thuận, người ta làm những chiếc lưới bẫy chim gọi là lưới  tận diệt, trong đó có cả chim yến, một loại mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nuôi. Nhưng với cách bắt chim bằng lưới tận diệt, nguy cơ là đàn yến càng ngày càng suy giảm, ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi yến của Việt Nam.

Thông tin phản ánh tình trạng bẫy chim, săn bắt động vật hoang dã cũng như “đấm vào bị bông”, không ai nghe, chẳng ai hay. Ví dụ ở tại chợ thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, báo Lao Động từng đưa phóng sự nói về tận diệt chim trời, nhưng chính quyền im lặng, hằng ngày, người dân vẫn bẫy chim, bày bán như không có chính quyền.

Nếu như chưa có đủ căn cứ pháp luật để ngăn chặn nạn hủy diệt thiên nhiên và “ăn thịt môi trường”, thì chính quyền các địa phương phải lên tiếng, Quốc hội xem xét để bổ sung hoặc ban hành thêm đạo luật để điều chỉnh các hành vi phá hoại thiên nhiên, săn bắt động vật, bẫy chim trời.

Muộn còn hơn không, chúng ta phải hành động ngay lập tức để cứu lấy mình, ít nhất cũng như Thừa Thiên – Huế, ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn. Trong chỉ thị, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ăn thịt chim trời.

Ăn động vật hoang dã, sao gọi là văn minh.

Còn “ăn thịt môi trường”, con người sẽ tiếp tục trả giá, không COVID-19 thì sẽ có một loại virus chủng khác, gây đau khổ cho con người.

Lê Thanh Phong

Nguồn: