Thái Lan đã hủy một dự án cơ sở hạ tầng trên sông Mê Kông có liên quan tới Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Chính phủ Thái Lan đã quyết định hủy Dự án cải thiện kênh giao thông Lan Thương-Mê Kông dọc biên giới với Lào.
Thái Lan đưa ra quyết định sau khi nước này trải qua đợt hạn hán với mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp nhất trong 100 năm.
Dự án này được đề xuất từ năm 2000 với nội dung chính là nạo vét và cho nổ một số phần tại lòng sông Mê Kông nhằm loại bỏ thác ghềnh, tạo điều kiện cho tàu vận tải di chuyển, hình thành kết nối từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tới Thái Lan, Lào và một số quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, người dân địa phương và các nhà môi trường đã phản đối dự án này vì lo ngại nó có thể hủy hoại hệ sinh thái và chỉ làm lợi cho Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã coi Mê Kông là đường tới Ấn Độ Dương và nhiều nơi khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào Eo biển Malacca – tuyến hàng hải vận chuyển lượng lớn hàng hóa của nước này.
Chương trình xây đập dọc sông Mê Kông của Trung Quốc từng gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ các hoạt động của nước này. Phát biểu tại hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (LMC) ngày 20/2, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố việc thiếu nước mưa đã gây hạn hán tại sông Mê Kông, không phải dự án đập tại Trung Quốc.
Ông Vương Nghị cũng khẳng định 6 quốc gia LMC thống nhất đẩy mạnh hợp tác “để đảm bảo việc sử dụng bền vững và hợp lý nguồn nước”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cân nhắc chia sẻ thông tin để hỗ trợ nỗ lực này.
Vài ngày sau khi Thái Lan tuyên bố ngừng dự án, Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok đã cử nhà ngoại giao tới tỉnh Đông Bắc Loei – nơi có biên giới với Lào dọc sông Mê Kông. Đại sứ Yang Yang chia sẻ với truyền thông địa phương rằng Bắc Kinh rất quan tâm tới tình trạng hạn hán trong khu vực và áp dụng “phương pháp đặc biệt để tăng mực nước” từ các đập của nước này dọc sông Mê Kông trong tháng 1.