Dịch Covid-19 bùng phát đã làm giảm nhu cầu năng lượng và sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, giúp cắt giảm 100 triệu tấn khí thải CO2 tại quốc gia này.
Một phân tích mới của tổ chức khí hậu phi lợi nhuận Carbon Brief cho thấy, chủng virus corona mới (Covid-19) bùng phát đã gây ra nhiều tác động đối với Trung Quốc như việc đi lại bị hạn chế, kỳ nghỉ lễ kéo dài và hoạt động kinh tế giảm. Mọi hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ 25/1.
Nghiên cứu đã phân tích lượng khí thải trong khoảng thời gian 2 tuần, vào khoảng 10 ngày sau khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ và so sánh với cùng kỳ năm trước.
Trong giai đoạn cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc đã thải ra 400 triệu tấn khí thải cardon dioxide (CO2), con số này trong năm nay có thể đạt gần 300 triệu tấn.
Một tháng trước Tết Nguyên đán năm nay, lượng khí thải CO2 thải ra do đốt nhiên liệu hóa thạch phù hợp với tỷ lệ của những năm trước. Nhưng kể từ đó, lượng khí thải CO2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, theo phân tích.
Mặc dù những hình ảnh vắng vẻ tại các trung tâm thành phố và giao thông thưa thớt tại Trung Quốc dễ được coi là bằng chứng cho sự sụt giảm lớn về lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc bị chi phối nhiều bởi ngành công nghiệp.
Lượng khí thải CO2 giảm phần lớn là do sản lượng thấp từ các nhà máy lọc dầu và việc sử dụng ít than hơn cho việc sản xuất điện và sản xuất thép, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi việc giảm lượng khí thải CO2 kéo dài, lượng khí thải CO2 do Trung Quốc thải ra hằng năm sẽ chỉ giảm 1% bởi Trung Quốc có thể tăng sản xuất điện và hoạt động công nghiệp khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm và việc ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả hơn.
Một nghiên cứu của BloombergNEF công bố ngày 18/2 cho thấy, mặc dù năng suất sản xuất của Trung Quốc giảm thì lượng khí thải CO2 của quốc gia này vẫn có thể tăng do gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ sẽ đặt ra yêu cầu nước này tiếp tục sử dụng than, tăng cường sử dụng xi măng và thép.