Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép để chống dịch COVID-19.
Trước hàng loạt những kiến nghị “đóng cửa” thị trường buôn bán động vật hoang dã, để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra COVID-19 (nCoV), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các Bộ, ngành và địa phương đề nghị tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp diễn
Theo nội dung công văn vừa được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ban hành, ngày 22/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 379/BTNMT-TCMT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.
Trên cơ sở đó, nhiều bộ ngành, địa phương đã có chỉ đạo khẩn trương, kịp thời nhằm kiểm soát tình hình.
Tuy nhiên, việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn trên địa bàn nhiều tỉnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trong đó, nhiều loài động vật hoang dã mang mầm bệnh có thể lây lan sang người.
“Các nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã và điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, virus đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, virus Marburg ở châu Âu,” Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra COVID-19 (nCoV) đang được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã, hiện đang lan rộng đe dọa đến sức khỏe con người.
Mới đây, ngày 16/2, các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã cũng đã có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị các hành động kiểm soát, xử lý, để giải quyết các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Theo các tổ chức này, không ít đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ với các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Cụ thể như dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia, khiến 774 người tử vong, vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata).
Hay như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi.
Không nằm ngoài những tổn thất nghiêm trọng trên, dịch COVID-19 đang diễn ra chắc chắn cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Việt Nam.
Kiểm soát việc buôn bán, xử lý nghiêm vi phạm
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, chủ động phòng ngừa dịch bệnh đồng thời tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, tránh các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã.
Các cơ quan thực thi pháp luật như Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an tăng cường phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các chợ động vật tự phát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với động vật hoang dã, thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm.