Thế giới giành hẳn một ngày trong năm để kêu gọi nhân loại hành động vì Tê tê. Ngày Tê tê thế giới năm 2020 (15/2), lời kêu gọi tiếp tục đầy thúc giục, mạnh mẽ hơn khi các hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ loài này chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại còn gia tăng gấp nhiều lần.
Còn tại Việt Nam, sau bi kịch biến mất của con Tê giác cuối cùng năm 2010, giới bảo tồn lo ngại, khoảng 10 năm nữa, Tê tê sẽ là loài thú tiếp theo được đưa vào danh sách tuyệt chủng trong tự nhiên. Liệu chúng ta có tránh được “vết xe đổ” trước đó?
Tê tê sẽ tuyệt chủng trong 10 năm tới?!
Kỷ niệm Ngày Tê tê thế giới năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam – SVW đã phát đi những cảnh báo đầy lo ngại với tương lai Tê tê của nước ta, khi loài này đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do áp lực săn bắt và buôn bán phục vụ nhu cầu của con người.
SVW dẫn chứng, với giá từ 7 – 10 triệu đồng/kg từ các thương lái, Tê tê trở thành đối tượng săn lùng nhiều nhất ở Việt Nam. Qua các nghiên cứu khoa học bằng bẫy ảnh ở Việt Nam cho thấy hiện quần thể Tê tê đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Loài Tê tê Java chỉ còn phân bố tại một vài khu bảo tồn với số lượng vài ngàn cá thể, chủ yếu được tái thả sau khi được cứu hộ từ buôn bán trái phép. Loài Tê tê Vàng không còn ghi nhận được bằng bẫy ảnh trong vòng 20 năm trở lại đây và hiện có duy nhất 7 cá thể trong trung tâm cứu hộ. Vì vậy, nếu không có các hoạt động bảo tồn mạnh mẽ và hiệu quả, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ cả 2 loài Tê tê sẽ tuyệt chủng trong 10 năm tới.
Nguyên nhân là do lâu nay, trong dân gian có những lời đồn thổi Tê tê có thể điều trị bệnh đái tháo đường, tăng cường sinh lực, ham muốn tình dục, điều trị ung thư… Nhiều người tin đã tìm mua vảy Tê tê với mục đích điều trị bệnh, vì thế, loài vật này đã bị con người ráo riết săn lùng. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh, xương thịt và nội tạng của Tê tê không có tác dụng điều trị đặc hiệu cho một bệnh chứng nào.
Rõ ràng, sự mù quáng dai dẳng đó là rào cản lớn đối với cuộc chiến giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm nói chung và loài Tê tê nói riêng bao năm vẫn chưa hiệu quả.
Hằng ngày, hằng giờ, cộng đồng tiếp tục lên án sự tàn phá và nhẫn tâm của con người đã làm cạn kiệt dần nguồn động vật hoang dã trong thiên nhiên, đẩy những loài thú quý hiếm đứng bên bờ tuyệt chủng. Bất chấp những nỗ lực sửa sai, những hành động của con người vẫn đang khiến cho nhiều loài vật phải khốn khổ, trong đó có Tê tê. Sự tuyệt chủng các loài hoang dã là “di sản” đau đớn lâu dài nhất của nhân loại.
Tương lai Tê tê quyết định bởi nhận thức
Thực tế, nước ta đã ban hành nhiều quyết sách mạnh mẽ để bảo tồn loài Tê tê trước nguy cơ tuyệt chủng. Cụ thể, Tê tê Java, Tê tê Vàng đều có tên trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013.
Còn theo Bộ luật Hình sự, từ 1/7/2016, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã gồm hành vi buôn bán, săn bắt Tê tê là phạt tù 15 năm và 2 tỷ đồng tiền phạt. Đối với các tổ chức thương mại là 15 tỷ đồng tiền phạt và bị đình chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế – IUCN ghi nhận hiện nay, có tất cả 8 loài Tê tê đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong số này có 2 trong đó 4 loài Tê tê châu Á nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức cực kỳ nguy cấp (EN). Bốn loài tê tê châu Á đều giảm 50 – 90% trong 3 thế hệ gần đây (khoảng 21 năm). Còn lại, 4 loài Tê tê châu Phi đều nằm trong Danh lục đỏ IUCN ở mức độ hiếm (V) và đang tiếp tục suy giảm với mức dự đoán từ 30 – 40% trong 3 thế hệ liên tiếp. |
Ngoài ra, những quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ và hoạt động xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được quy định tại cũng phần nào giúp Tê tê và động vật hoang dã khác được bảo vệ khỏi sự săn bắt và mua bán trái phép.
Nhìn vào các quy định sẽ thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang ra sức ngăn chặn sự suy giảm số lượng Tê tê trong tự nhiên và giảm nguy cơ tuyệt chủng do vấn nạn săn trộm và buôn bán trái phép cũng như nạn khai thác quá mức để phục vụ cho nhu cầu sử dụng Tê tê. Nhưng cái gốc của vấn đề là ở người tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ, nếu không có người mua thì không còn người bán, không có nhu cầu thì nguồn cung sẽ mất. Bảo tồn các loài hoang dã chỉ riêng với quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ, chúng ta cần nhiều hơn nhưng hành động mạnh mẽ của cộng đồng để bảo vệ các loài trước nguy cơ tuyệt chủng.
Không ăn, không sử dụng Tê tê. Hãy nghĩ đến sức khỏe trước những nguy cơ bệnh dịch chết người từ việc sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã đã và đang bùng phát khắp nơi trên toàn cầu. Hãy nghĩ về COVID-19, SAR, EBOLA…