Trong 2 tuần qua, gần 700 đối tượng bị cảnh sát nước này bắt giữ do vi phạm lệnh cấm bắt nhốt, mua bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã.
Cơ quan chức năng tại Trung Quốc thu giữ gần 40.000 động vật hoang dã gồm sóc, chồn hôi và lợn rừng.
Quy mô của chiến dịch truy quét các nhà hàng, nhà kho và chợ đen cho thấy thói quen ăn thịt động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận của động vật hoang dã phục vụ đông y sẽ khó chấm dứt một sớm một chiều, bất chấp những liên hệ của chúng với đợt bùng phát dịch virus corona.
Giới tiểu thương mua bán hợp pháp thịt động vật hoang dã cho biết họ muốn quay lại kinh doanh ngay khi lệnh cấm chấm dứt.
“Tôi sẽ bán lại một khi lệnh cấm được dỡ bỏ. Mọi người thích mua thịt rừng. Họ có thể mua để ăn, hoặc dùng như quà tặng vì đây là món quà rất thực tế và giúp bạn nở mày nở mặt”, Gong Jian, chủ một trang bán thịt rừng trên mạng và nhiều cửa hàng tại khu tự trị Nội Mông, chia sẻ.
“Cái gì cũng dám ăn”
Gong nói ông vẫn trữ thịt cá sấu và hươu bằng tủ đông cỡ lớn. Dù vậy, ông buộc phải giết hết bầy chim cút nhà nuôi vì siêu thị không tiếp tục mua trứng, mà món này thì không thể đông lạnh.
Giới khoa học thời gian qua nghi ngờ chủng virus corona mới xuất phát từ loài dơi và lây sang người nhờ trung gian là con tê tê. Loài động vật hữu nhũ ăn kiến được giới y học cổ truyền Trung Quốc xem là phương thuốc hiệu nghiệm chữa nhiều loại bệnh.
Một số ca nhiễm sớm nhất tại Trung Quốc được ghi nhận ở những người từng có mặt trong chợ hải sản Vũ Hán. Nơi đây nổi tiếng bày bán thịt dơi, rắn, cầy hương và nhiều loài động vật hoang dã khác. Chính quyền Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa tất cả chợ có kinh doanh thịt rừng tại nước này, đồng thời cảnh báo ăn thịt động vật hoang dã là hành vi đe dọa sức khỏe và an toàn cộng đồng.
Tuy nhiên, những cảnh báo cứng rắn có lẽ vẫn chưa đủ để thay đổi khẩu vị của người dân và tâm lý xã hội. Thịt rừng đã trở thành một yếu tố ăn sâu cắm rễ trong văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
“Trong mắt nhiều người, động vật sống là để phục vụ con người, chứ không phải chia sẻ Trái Đất với chúng ta”, Wang Song, một nhà nghiên cứu động vật học đã về hưu, từng công tác tại Học viện Khoa học Trung Quốc, nhận định.
Đợt bùng phát dịch viêm phổi virus corona đến nay có hơn 71.300 ca nhiễm và hơn 1.700 ca tử vong trên toàn thế giới, với đại đa số các bệnh nhân ở Trung Quốc đại lục. Đại dịch cũng thổi bùng trở lại cuộc tranh luận muôn thở ở Trung Quốc về vấn đề sử dụng thịt động vật hoang dã trong ẩm thực và đông y.
Những tranh luận tương tự từng thu hút nhiều sự quan tâm khi đại dịch Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát năm 2002-2003. Giới khoa học cho rằng chủng virus corona gây nên Sars đã lây từ dơi sang người thông qua vật trung gian là cầy hương.
Nhiều học giả, các nhà hoạt động môi trường và người dân tại Trung Quốc đã tham gia những tổ chức bảo tồn hoang dã quốc tế, kêu gọi đóng cửa các chợ thịt rừng. Dòng tranh luận trên mạng thời gian qua tại Trung Quốc, chủ yếu thu hút sự quan tâm của giới trẻ, cũng nghiêng về phương án cấm vĩnh viễn mua bán động vật hoang dã.
“Chúng ta có một thói quen xấu là cái gì cũng dám ăn. Chúng ta cần chấm dứt ăn thịt rừng và những ai vi phạm thì phải ngồi tù”, một người dùng tên Sun bình luận trên trang mạng Sina.
Thói quen khó bỏ
Tân Hoa xã cho biết Quốc hội Trung Quốc trong năm nay sẽ tìm cách siết chặt những quy định về mua bán động vật hoang dã. Dù vậy, vẫn còn một bộ phận người dân Trung Quốc thích ăn thịt rừng. Họ tin rằng thịt của nhiều loài động vật hoang dã tốt cho sức khỏe.
Còn cầu thì còn cung và chợ thịt rừng tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc, thậm chí lấn sân sang thương mại điện tử với phần lớn hoạt động bất hợp pháp.
“Bỏ ăn thịt rừng thì không khác gì bỏ ăn luôn chỉ vì sợ nghẹn”, một người dùng trên trang mạng Hupu tại Trung Quốc nhận định.
Bên cạnh đó, việc nuôi và mua bán động vật hoang dã tại Trung Quốc còn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chính quyền và là nguồn thu lợi của nhiều địa phương.
Sau đợt bùng phát Sars, Cục Lâm nghiệp Quốc gia (NFGA) đã siết chặt giám sát hoạt động mua bán động vật hoang dã bằng cách quy định giấy phép nuôi thương phẩm và mua bán cho 54 loài động vật hoang dã, trong đó có cầy hương, rùa và cá sấu. Nuôi thương phẩm động vật hoang dã hợp pháp mang về gần 20 tỷ USD lợi nhuận/năm, theo báo cáo năm 2016 được chính phủ Trung Quốc cho thực hiện.
NFGA còn cho phép nuôi nhốt và cho sinh sản trong môi trường nuôi nhốt đối với một số loài động vật đang bị đe dọa như gấu, cọp và tê tê với điều kiện phục vụ cho mục tiêu môi trường và bảo tồn.
Trong khi đó, giới hoạt động môi trường cáo buộc những nông trại được cấp phép chỉ là bình phong cho hoạt động mua bán động vật hoang dã trái pháp. Nhiều cơ sở nuôi động vật trong diện bị đe dọa sau đó bí mật bán thịt hoặc bộ phận để làm nguyên liệu thuốc, chứ không thả chúng về môi trường hoang dã.
“Họ sử dụng bình phong này để mua bán trái phép. Không có nông trại tê tê thật sự tại Trung Quốc. Họ chỉ dùng giấy phép cho những hoạt động trái pháp luật”, Zhou Jinfeng, chủ tịch Quỹ Bảo tồn Đa dạng sinh học và Phát triển Xanh, nhận định.
Các bộ phận từ động vật hoang dã, như mật gấu và vảy tê tê, vẫn được sử dụng làm nguyên liệu trong các bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc. Ngành đông y cũng là một trong những mảng mà Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh kinh doanh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (IBR).
Tuy nhiên, ranh giới giữa nguyên liệu hợp pháp và không hợp pháp tại Trung Quốc vẫn rất mơ hồ. Một báo cáo của Mỹ ước tính mua bán động vật hoang dã trái phép toàn cầu là ngành công nghiệp trị giá gần 23 tỷ USD/năm. Trong đó, Trung Quốc được các nhóm bảo vệ môi trường đánh giá là thị trường lớn nhất.
Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức độc lập chống hủy hoại môi trường đặt trụ sở tại London, tuần qua cho biết dịch virus corona thậm chí cồn giúp hoạt động mua bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã diễn ra mạnh mẽ hơn. Những tay buôn lợi dụng tâm lý sợ hãi đã chào bán sản phầm làm từ sừng tê là phương thuốc hạ sốt hữu hiệu.