Biến đổi khí hậu là trở ngại nghiêm trọng và cấp bách nhất đối với sự ổn định, thịnh vượng toàn cầu, và những nỗ lực chung lớn lao hơn từ mọi quốc gia cũng như từ mỗi cộng đồng trên thế giới đóng vai trò cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này.
Đây là thông điệp do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong một bài phát biểu đặc biệt về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, tại Islamabad (Pakistan) ngày 16/2.
Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu đã kéo theo một “mối nguy hiểm rõ ràng” đối với toàn thế giới, bao gồm cả nạn châu chấu hoành hành tại Pakistan cùng một số nước khác.
“Hành tinh đang bốc cháy, trong khi có quá nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn đang tiếp tục tỏ ra chậm trễ” – ông Guterres nói, đồng thời tỏ ra tiếc nuối khi “chiếc đòn bẩy” để đối phó với khủng hoảng khí hậu đã bị đình trệ kể từ sau Thỏa thuận Paris 2015. Theo quan điểm của người đứng đầu Liên hợp quốc thì vấn đề này chỉ có thể giải quyết được nếu như chúng ta cùng theo đuổi ý chí chính trị và sự đoàn kết để tạo nên “một sự khác biệt”.
Ông Guterres kêu gọi, nhân Hội nghị về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới, chính phủ các nước cần đưa ra những thay đổi cần thiết với một tham vọng mạnh mẽ hơn nhiều. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng các nước giàu cần dẫn đầu tiến trình này.
Không chỉ nhắc tới những nỗ lực bảo vệ môi trường, người đứng đầu Liên hợp quốc còn kêu gọi thế giới tăng cường hành động để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) khác, bao gồm: Chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.
SDGs là vấn đề liên quan tới mọi quốc gia và mọi cộng đồng. Không một quốc gia nào có thể khẳng định rằng họ không gặp phải các vấn đề về bất bình đẳng, ô nhiễm hay biến đổi khí hậu. “Những thách thức ngày nay đối với phát triển bền vững và tiến bộ của con người không bị giới hạn trong phạm vi biên giới hay bó hẹp trong mỗi quốc gia riêng lẻ” – ông Guterres nói.
Trong bài phát biểu cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc đã hoan nghênh những nỗ lực của Pakistan trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ nghèo đói và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông Guterres cũng chỉ ra một thực tế rằng, ngay cả ở Pakistan hay nhiều nước khác trên thế giới thì sự thay đổi vẫn chưa diễn ra “đủ nhanh chóng”.
“Dựa trên những tính toán thực tế thì chúng ta mới chỉ đi được một nửa đường tới các mục tiêu đề ra… Mọi người có thể và phải chung tay để thúc đẩy tiến trình đạt được các SDGs, cùng những hành động hợp tác xuyên biên giới và các lĩnh vực cần thiết…Chúng ta đang chiến đấu cho cuộc sống của chính chúng ta. Tương lai bền vững của chúng ta đang bị đe dọa. Nhưng tôi tin chắc rằng đó mà một cuộc chiến mà chúng ta có thể giành phần thắng” – ông Guterres nói.
Sáng 16/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bắt đầu chuyến công du tới Pakistan, kéo dài tới ngày 19/2. Nhân dịp này, ông Guterres sẽ tham dự một Hội thảo quốc tế về người tị nạn Afghanistan và đối thoại với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà.
Hiện Pakistan đang là một trong những nước tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất trên thế giới. Quốc gia Nam Á này hiện đang là nơi cư trú của khoảng 2,4 triệu người đăng ký tị nạn và những người không có giấy tờ đã đã rời khỏi Afghanistan. Nhiều người trong số này đang sống trong các khu trại tị nạn, một số khác đã xây dựng cuộc sống ở nhiều thành phố trên khắp đất nước Pakistan. Theo ông Guterres thì “giải pháp bền vững và được ưu tiên đối với người tị nạn luôn là sự hồi hương trong điều kiện được bảo đảm an toàn và phẩm giá”.