Đa dạng hóa đầu vào, đầu ra và chuyên nghiệp hóa vai trò hiệp hội là những vấn đề đặt ra từ trong khủng hoảng covid-19.
Thế giới đang hướng mọi chú ý vào diễn biến của dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra. Thế nhưng, thay vì hoang mang trước những vấn đề không thể kiểm soát, chúng ta nên tập trung năng lượng vào những yếu tố chúng ta có thể tác động được để từ đó thay đổi cục diện cho riêng mình.
Khủng hoảng theo chuỗi
Cho đến thời điểm này, không ai có thể đánh giá được đại dịch COVID-19 nguy hiểm ra sao bởi dịch vẫn đang diễn ra. Do là chủng virus mới, chúng ta không thể biết được một ngày nó lây nhiễm bao nhiêu, bao lâu thì hết dịch, trời nắng ấm thì virus có giảm đi không?…
Dù vậy, thông thường, trước các vấn đề thiếu cơ sở nhận định, chúng ta có thể tiếp cận theo 2 cách. Trước hết là so sánh mức độ trầm trọng của dịch với các cuộc khủng hoảng trước để tính toán mức độ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Xét về quy mô và mức độ, tôi thấy rằng, có 3 trường hợp để chúng ta dùng làm so sánh. Một là cuộc khủng hoảng tài chính 1998-1999, bắt đầu từ Thái Lan. Dù ở quy mô nhỏ nhưng khủng hoảng này đã lan ra thế giới, làm nhiều nước như Hàn Quốc, Đài Loan lao đao. Điều này cho thấy thế giới kết nối mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Ở lần khủng hoảng tiếp theo là dịch SARS (năm 2003), dù mức độ lây nhiễm, tử vong của dịch SARS thấp hơn so với dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại nhưng thế giới, trong đó có Việt Nam cũng đã chới với. Sang đến khủng hoảng tài chính thế giới (2008-2009), tuy Mỹ đã nhanh chóng nhận diện và có phương án xử lý nhưng kinh tế toàn cầu cũng bị chao đảo. Phải mất 10 năm, Mỹ mới có thể phục hồi lại mức cũ.
Với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, dự báo khả năng tác động và ảnh hưởng của dịch còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn những cuộc khủng hoảng trước. Dịch bệnh lần này xuất phát từ Trung Quốc – quốc gia mà quy mô phát triển đã gấp 10 lần so với thời điểm dịch SARS. Chưa kể, Trung Quốc hiện có mối quan hệ chằng chịt với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu như không quốc gia nào lại không mua hoặc bán hàng hóa với Trung Quốc. Ngay những nước ít nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, như Mỹ, vẫn bị ảnh hưởng. Chúng ta cứ hình dung, chiếc xe dù đủ 99% nguyên phụ liệu, nhưng chỉ cần thiếu 1% vẫn không thể hoàn chỉnh.
Hành động của doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam lâu nay do ít đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, không đa dạng đầu vào cũng như đầu ra. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc do thấy đây là thị trường dễ tính, lại có nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, giá rẻ. Sự phụ thuộc này chính là tử huyệt của nhiều doanh nghiệp Việt mỗi khi thị trường Trung Quốc biến động như trong dịch COVID-19.
Doanh nghiệp cần làm gì lúc này là câu hỏi phức tạp. Bởi chưa ai đánh giá được dịch sẽ tác động ra sao. Diễn biến dịch cũng thay đổi từng ngày, rất nhanh và khó đoán. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết còn quá sớm để dự đoán khi nào virus này sẽ bị ngăn chặn và cũng không biết dịch COVID-19 sẽ đi đến đâu.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp sẽ còn tùy quy mô, ngành nghề, địa phương mà bị ảnh hưởng khác nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải tự suy tính giải pháp cho mình.
Tuy chưa thể biết chính xác mức độ ảnh hưởng từ dịch viêm phổi gây chết người và dù ai cũng hy vọng tình hình không đến nỗi tồi tệ, nhưng vẫn rất cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Doanh nghiệp hãy quên thu nhập đi, vì thu nhập có thể giảm xuống 20%, 50% hay thậm chí 70%, 100%. Mức nào thì cũng là xuống nhanh và có thể gây ra khủng hoảng lập tức. Thay vào đó, doanh nghiệp cần tập trung vào nguồn chi, cắt bỏ những chi phí không cần thiết. Đối với những chi phí cố định, doanh nghiệp cần tìm cách dàn xếp, trì hoãn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể ngồi lại với ngân hàng để thương lượng việc khoanh nợ, giãn nợ, trả nợ, trả lãi… Thực tế, việc chính của xử lý khủng hoảng là quản lý dòng tiền.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ các hiệp hội. Đây là những tổ chức giữ vai trò vận động chính sách và nghiên cứu thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ làm việc với Chính phủ nhằm chuẩn bị những quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp. Đây là cách để doanh nghiệp được “bơm thêm máu” sau khi đã bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được hỗ trợ một phần, không đủ để cầm cự qua cơn hiểm nghèo.
Các hiệp hội cần đặt vấn đề với Nhà nước về những chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tùy theo từng kịch bản và cấp độ. Ngoài ra, hiệp hội cần đẩy mạnh vai trò nghiên cứu thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi đây là việc tốn công tốn của và ít doanh nghiệp dám bỏ tiền đầu tư. Trong khi hiệp hội có thể đứng ra tổ chức, huy động nguồn lực từ hàng trăm hàng ngàn hội viên để làm công việc này. Từ đó có thể cung cấp, bán sỉ các thông tin, giải pháp tư vấn cho hội viên.
Trong khủng hoảng, thông tin và tư vấn là điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần. Thực tế, chỉ ở vai trò hiệp hội, các tổ chức mới có thể có cái nhìn tổng quát, đầy đủ về những vấn đề liên quan đến ngành nghề và doanh nghiệp thành viên, từ đó có những nhận định, so sánh, phân tích, tư vấn, giúp doanh nghiệp có hướng đi hiệu quả hơn.
Từ trong khủng hoảng, cái khó sẽ ló cái khôn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ học thêm bài học không bỏ trứng vào một giỏ và đa dạng hóa đầu vào – đầu ra. Về phía hiệp hội sẽ chuyên nghiệp hóa hơn vai trò và trách nhiệm của mình.
Trần Sĩ Chương
(Ngọc Thủy ghi)