Giải quyết vấn đề môi trường cần nguồn tiền không nhỏ nhưng mỗi khi tăng thuế hoặc phí luôn gặp phải ý kiến phản đối. Không hẳn là người dân và doanh nghiệp thiếu nhận thức về môi trường, nguyên nhân có lẽ một phần nằm ở việc họ không rõ tiền của mình được chi như thế nào.
Cơ chế khác nhau nhưng cùng một “nút thắt” đầu ra
Trong hơn 1 thập kỉ trở lại, ô nhiễm môi trường dần dần trở thành mối quan tâm của xã hội. Với vai trò nhà quản lý, một số Luật và Nghị định về thuế môi trường, phí môi trường của nhà nước lần lượt ra đời nhằm có thêm công cụ kinh tế để hạn chế tác động xấu đến môi trường của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng hoặc nhập khẩu. Nguyên tắc chung đặt ra là “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để bù đắp cho các chi phí xã hội giúp xử lý, đền bù hoặc cải thiện tình trạng ô nhiễm. Tuy vậy, nhiều người vẫn bối rối về sự khác nhau cùng tính hiệu quả của từng loại công cụ.
Ở Việt Nam, nếu Thuế Bảo vệ Môi trường chủ yếu là loại thuế gián thu hướng đến sản phẩm gây tác động xấu về môi trường khi sử dụng (người tiêu dùng phải nộp thuế) thì phí Bảo vệ Môi trường lại là nguồn phí trực thu, đánh trực tiếp vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất (người sản xuất phải nộp thuế).
Mục đích của thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT) là tạo nguồn thu cho ngân sách và hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa gây ô nhiễm. Theo Luật thuế BVMT, hiện có 8 mặt hàng chịu thuế là xăng dầu mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông; và 4 dạng thuốc thuộc loại hạn chế sử dụng là thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho.
Trong khi đó, phí BVMT có mục đích tạo khoản thu để bù đắp các chi phí quản lý, bảo vệ, đầu tư cho môi trường và ngăn ngừa người gây ô nhiễm xả thải các chất ô nhiễm có thể xử lý được vào môi trường. Hiện có 3 loại phí bảo vệ môi trường áp dụng với nước thải, chất thải rắnvà khai thác khoáng sản.
Với tính chất khác nhau như vậy, dẫn đến câu hỏi: dòng tiền của các khoản thu trên sẽ được sử dụng như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, thuế BVMT thu về sẽ được hòa vào dòng thuế chung để tạo ngân sách cho tất cả các hoạt động của chính phủ và được phân bổ theo nhiều hướng để đảm bảo công bằng xã hội. Chúng có tính hoàn trả gián tiếp, do đó “chưa chắc thuế môi trường đã được dùng toàn bộ cho các mục đích môi trường.”
Dĩ nhiên, không phải chỉ chi trực tiếp như khắc phục hậu quả hoặc xây nhà máy xử lý chất thải mới là bảo vệ môi trường. Các kế hoạch chi cho môi trường có thể hiểu theo nghĩa rộng là tìm mọi cách khiến môi trường tốt lành và trong sạch hơn. Chúng đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, chẳng hạn như làm đường cao tốc hay phát triển các phương tiện công cộng đều có thể giúp giảm phát thải khí ô nhiễm, do đó cũng góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Mặc dù trên thực tế, khi xem xét dự toán ngân sách hằng năm của Quốc hội và số liệu thống kê của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2012 – 2016, số tiền nhà nước chi cho BVMT (chi sự nghiệp, đầu tư và trả nợ) bình quân khoảng 26.300 tỷ đồng/năm, đã cao hơn số thuế BVMT thu được khoảng 21.200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra về chi tiết các nhiệm vụ chi, cũng như việc chi BVMT còn dàn trải, thiếu hiệu quả và ít “mạnh tay” cho các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao.
Trong khi đó, phí BVMT có tính hoàn trả trực tiếp hơn, tức là nguồn thu phí được dùng cho việc trang trải cho hoạt động thu phí, cho việc đo đạc, lấy mẫu, kiểm tra định kì, và bổ sung vốn cho các Quỹ bảo vệ môi trường ở địa phương. Do vậy, phí BVMT được xem là “gần gũi” hơn với các hoạt động môi trường. Nhưng phí không phải là nguồn thu quá lớn trong cả bức tranh môi trường. Chẳng hạn, thống kê năm 2017 cho biết phí BVMT về nước thải thu về hơn 2.100 tỷ đồng tuy nhiên nhiều địa phương phản ánh là “không đủ bù đắp chi phí xây dựng, duy tu, bảo trì hệ thống đường cống thu gom thoát nước”, chưa nói đến việc xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Một vấn đề quan trọng hơn là sự bất đối xứng, chẳng hạn phí BVMT về nước thải chưa chắc đã được dùng để khắc phục ô nhiễm nước mà có thể dùng cho các hoạt động về khắc phục ô nhiễm đất, chất thải rắn hay không khí.
Hiện nay Bộ tài chính – cơ quan từng xây dựng Nghị định về phí BVMT với nước thải năm 2016 – cũng đang sửa đổi Nghị định này và đang có kế hoạch xây dựng một Nghị định khác về phí BVMT với khí thải. Tuy vậy, theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trường Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và hiện là Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng “các quy định cần chặt chẽ hơn để ưu tiên các loại phí sẽ quay lại trực tiếp chi trả cho vấn đề đó”.
Một số nhóm vận động cho không khí sạch đang đề xuất nếu thu phí BVMT với khí thải sẽ cần có quy định tối thiểu 70% chi phí sẽ quay trực tiếp lại cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. |
Ông cho biết thêm dự thảo Nghị định về phí BVMT với khí thải vẫn đang đi theo tư duy của phí BVMT với nước thải, tức phần lớn dòng tiền vẫn có khả năng đi vào luồng chung cho nhiều việc khác.
Một số nhóm vận động cho không khí sạch đang đề xuất nếu thu phí BVMT với khí thải sẽ cần có quy định tối thiểu 70% chi phí sẽ quay trực tiếp lại cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí.
“Dĩ nhiên con số lý tưởng là 100%. Nhưng nếu nâng được từ mức trước kia lên đến 70% cũng là một thành công”, TS. Hoàng Dương Tùng nhận xét.
Tinh thần này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập trong phiên thảo luận về Dự thảo biểu thuế BVMT sửa đổi tháng 9/2018, theo đó bà nhấn mạnh: “Tiền thuế BVMT phải đưa vào ngân sách và chi lại cho BVMT, người dân mới thấy sòng phẳng, chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”. Tuy vậy, Luật thuế BVMT hiện hành không có điều khoản nào quy định tiền thuế BVMT thu được phải sử dụng để đầu tư cho BVMT.
Lấy minh bạch làm tiêu chuẩn
Để dòng tiền chi lại cho môi trường một cách hiệu quả, cần phải đảm bảo được hai yếu tổ:
Thứ nhất là tính công bằng, tức luật hóa khiến các loại thuế/phí BVMT được quay lại ưu tiên chi trực tiếp cho vấn đề môi trường đó.
Thứ hai là tính minh bạch, tức công khai các khoản chi để người dân hiểu rõ và tham gia vào quá trình giám sát, quản lý môi trường. Đó là điều đã được các đại biểu Quốc hội đòi hỏi từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc tiếp cận thông tin vẫn không được rộng rãi và thuận tiện với số đông.
Mở rộng ra, các công cụ kinh tế cũng cần cải cách phương pháp tiếp cận để tạo hiệu quả tốt hơn. Thực tế, trong nhiều chính sách thuế hiện hành, bảo vệ môi trường vẫn chỉ là mục tiêu lồng ghép mà chưa được đặt thành mục tiêu chính, do đó tác dụng của chúng còn khá hạn chế.
Các ưu đãi về thuế nhìn chung chưa đủ mạnh và linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thay đổi công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng và tài nguyên sạch hơn.
Tương tự, với các loại phí BVMT, mức thu phải xác định đủ lớn khiến người gây ô nhiễm có động cơ thay đổi hành vi.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng việc công khai, minh bạch các tác động môi trường và dữ liệu ô nhiễm liên quan là cách hữu hiệu trong việc khuyến khích thay đổi hành vi của các đối tượng gây ô nhiễm, đồng thời tạo bước đệm để thiết lập lại tính công bằng với các loại thuế/phí BVMT. Một khi nhìn thấy các kết quả tác động cụ thể từ việc sử dụng tài chính, việc huy động các nguồn thu nhiều khả năng sẽ trở nên thuận lợi hơn.