Trung Quốc sửa luật để dẹp nạn buôn lậu và ăn thịt động vật hoang dã

Ngày 10/2, cơ quan lập pháp cấp cao Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã để dẹp bỏ tình trạng buôn bán hoặc ăn thịt động vật hoang dã bừa bãi.

Ủy ban Pháp chế Quốc vụ viện thông báo rằng việc sửa đổi luật này đã được đưa thêm vào chương trình nghị sự lập pháp năm nay của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện.

Giám đốc Bộ phận Luật kinh tế của Ủy ban Wang Ruihe cho biết: “Rủi ro an ninh y tế công cộng do buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã được chú ý cao độ ở khắp thế giới. Nhiều khả năng dịch viêm phổi do virus corona mới lây từ động vật hoang dã sang người rồi truyền nhiễm từ người sang người”.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro, Ủy ban quyết định cải thiện luật bảo vệ động vật hoang dã và đẩy mạnh giám sát thực thi pháp luật để chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, loại bỏ nạn săn bắn quá mức và tiêu thụ vô độ.

Luật Bảo vệ động vật hoang dã (được sửa đổi năm 2016) ưu tiên bảo vệ động vật hoang dã, kêu gọi người dân tuân thủ các quy định và thúc đẩy các cơ quan chính phủ giám sát chặt chẽ, nhưng luật này vẫn còn một số vấn đề.

“Các quy định liên quan để hỗ trợ luật pháp chưa được đưa ra kịp thời và các quy định về phương pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để bảo vệ động vật hoang dã cũng chưa được đưa ra”, Wang nói.

Cơ quan chức năng bắt một cá thể kỳ giông khổng lổ còn sống ở bên ngoài chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán vào ngày 27/1. (Ảnh: Yuan Zheng/chinadaily.com.cn)

Giải quyết gốc rễ nạn buôn lậu bằng luật pháp

Đây có lẽ là phúc đáp cho kiến nghị ​​vào ngày 24/1 do 19 học giả Trung Quốc ký tên kêu gọi xóa bỏ buôn bán bất hợp pháp và ăn thịt động vật hoang dã. Một trong số các học giả là Giáo sư Lyu Zhi thuộc Đại học Bắc Kinh – người đã viết khuyến nghị chi tiết cho việc quản lý việc sử dụng động vật hoang dã.

Hai ngày sau, chính phủ tuyên bố Trung Quốc cấm mọi hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các chợ, nhà hàng và nền tảng thương mại điện tử cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

“So với thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003, công chúng Trung Quốc có nhận thức rõ ràng hơn về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời chính phủ cũng chú ý nhiều hơn đến vấn đề này”, Giáo sư Lyu nói.

“Để đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và chấm dứt tình trạng tiêu thụ vô độ, cách tốt nhất là thực thi nghiêm luật pháp. Theo thời gian, có thể mọi người sẽ quên bài học sâu sắc này, rồi thì các hoạt động bất hợp pháp sẽ tái diễn”.

Theo Giáo sư Lyu, tiêu thụ động vật hoang dã là hoàn toàn không cần thiết và việc tiêu dùng nhiều loài chỉ là nhu cầu xa xỉ. Một số người tin vào các liệu pháp thực phẩm cho rằng ăn động vật hoang dã là tốt cho sức khỏe, còn một số thì muốn phô trương sự giàu có hoặc địa vị.

“Điều thiết yếu là phải cân bằng mối quan hệ giữa con người và động vật hoang dã. Cần phải quảng bá kiến ​​thức liên quan cho công chúng để chấm dứt nạn tiêu thụ vô độ. Điều cơ bản một người có thể làm là không ăn động vật hoang dã và điều này cũng tốt cho sức khỏe của mọi người”.

“Dịch bệnh do virus corona mới có liên quan mật thiết đến động vật hoang dã. Tình hình dịch bệnh đã trở thành một thách thức lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội và thanh danh quốc tế của Trung Quốc”, Zhang Li, Giáo sư sinh học bảo tồn thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh phân tích.

Giáo sư Zhang cho rằng để đi đến gốc rễ của vấn đề, luật pháp là quan trọng nhất, và lấy thương mại ngà voi làm ví dụ.

Theo ông, một cuộc khảo sát cho thấy các yếu tố chính ảnh hưởng đến việc tiêu thụ ngà voi của một người là sự kêu gọi của chính phủ và luật pháp, cảm giác tội lỗi và hiệu ứng nổi tiếng.

Thành công chủ yếu của việc Trung Quốc cấm tất cả các giao dịch ngà voi nội địa vào cuối năm 2017 là do luật pháp.

“Khi tôi nghe tin đó thì không cầm được nước mắt. Đó là điều mà tôi đã cống hiến trong hơn 10 năm qua”.

“Khi các cơ quan chính phủ khác nhau tham gia giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, họ nên phối hợp chặt chẽ với nhau bằng cách kết nối quản lý tốt hơn để thực thi luật pháp nghiêm ngặt”.

Giáo sự Zhang cho rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và các loài nguy cấp, chẳng hạn như lập ta một khu vực bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.

Động vật hoang dã là những cá thể chưa được thuần hóa và thường sống trong môi trường tự nhiên nhưng tình hình chăn nuôi động vật hoang dã có đôi chút khác biệt.

Tân Hoa Xã gần đây đưa tin hơn có 1 triệu người làm việc trong ngành chăn nuôi động vật hoang, sản lượng hàng năm khoảng 7,17 tỷ USD. Mục đích là làm thức ăn, lấy lông, phục vụ y học và nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Lyu đề nghị chính phủ tiến hành khảo sát tổng thể các trung tâm nhân giống và các trang trại động vật hoang dã hợp pháp để quản lý đúng cách, tạm thời ngừng cấp mới giấy phép huấn luyện và nhân giống động vật hoang dã. Chính phủ nên nhận diện và hủy bỏ giấy phép của những người được cấp phép nhân nuôi nhưng thay vào đó lại săn thú hoang.

Bà cho rằng áp dụng cẩn trọng công nghệ nhân giống thủ công, thế hệ động vật hoang dã F2 trở đi có thể được phép đưa vào thị trường, tương tự như động vật nuôi.

“Bởi vì ở một số khu vực kém phát triển của Trung Quốc, nhân nuôi và buôn bán động vật hoang dã là sinh kế thiết yếu của nông dân và các công ty nhỏ. Chính phủ nên giúp họ chuyển đổi sang các ngành nghề khác càng sớm càng tốt”.

Bà cũng tin rằng khi nhận thức của người tiêu dùng thay đổi, thị trường cho động vật hoang dã và sản phẩm nhân giống thủ công sẽ ngày càng nhỏ hơn.

Giáo sư Zhang hồi tưởng việc tận dụng động vật hoang dã có từ rất sớm, khi một số khu vực kiếm được lợi nhuận từ ngành này. Nhưng ngày nay, ông tin rằng do kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, người dân không cần phải huấn luyện và nhân giống động vật hoang dã để có nguồn thu nhập chính nữa.

Ông khẳng định rằng giấy phép huấn luyện và nhân nuôi động vật hoang dã nên được quản lý chặt chẽ. Đối với những loài phát triển chậm như rắn và rùa, một số người sẽ săn lùng các cá thể hoang dã để bán theo hình thức nhân nuôi.

“Điều quan trọng là phải điều chỉnh danh mục động vật hoang dã được phép nhân nuôi. Đối với một số loài chúng ta có nhiều kinh nghiệm và quy mô nhân nuôi lớn như hươu sao ở Đông Bắc Trung Quốc nên thảo luận xem chúng có phải là động vật hoang dã hay không”.

“Săn bắn làm giảm số lượng nhất định động vật hoang dã và gây mất cân bằng hệ sinh thái. Nghiên cứu của sinh viên tôi dạy phát hiện ra rằng khi vẹt châu Phi được bán sang Úc làm thú cảnh, chúng lây virus cho vẹt địa phương”.

Theo ông, voi châu Á buộc phải xung đột nhiều hơn với con người, làm bị thương hoặc thậm chí giết người là vì các hoạt động của con người trong hơn 50 năm qua như trồng trọt và canh tác đất đã làm giảm diện tích sinh cảnh của chúng.

“Cốt lõi là một hệ sinh thái hài hòa và lành mạnh”.

Buôn bán động vật hoang dã là cơ hội lây truyền virus

“Hầu hết động vật hoang dã mang virus và vi trùng qua nhiều thế hệ. Tại sao tình trạng dịch bệnh xảy ra tại thời điểm này? Khi kết thúc, cần phải điều tra rằng dịch bệnh không phải do một yếu tố duy nhất gây ra”, theo Giám đốc điều hành WCS châu Á Kang Ai’li.

Bà Kang Ai’li cho rằng nhiều động vật hoang dã không có mối liên hệ mật thiết với nhau trong tự nhiên. Chúng không muốn tiếp xúc với con người, cũng không tự nguyện vào một khu vực định cư đông người. Tuy nhiên, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán là môi trường độc nhất vô nhị cho loại virus mới.

Các bức ảnh trực tuyến cho thấy các loài động vật hoang dã khác nhau bị nhồi nhét trong một không gian hẹp và ẩm thấp, bức bí trong chợ. Đối với buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, người bán thường trốn tránh kiểm dịch và không cảnh báo người mua về các rủi ro dịch tễ.

Bà Kang cho biết Trung Quốc đã đạt được một số đột phá quan trọng trong bảo vệ động vật hoang dã và các chuyên gia thường xuyên liên lạc với đối tác từ các quốc gia khác.

Trung Quốc có thể học hỏi từ kinh nghiệm thành công của các nước phương Tây như kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức ngoài chính phủ, kể cả việc tư vấn và giám sát trong bảo vệ động vật hoang dã.

Bà Kang Ai’li chỉ ra trọng tâm chính của ngành thú y Trung Quốc là động vật nuôi và động vật trong vườn thú, và chỉ có vài bác sĩ thú y nghiên cứu chuyên sâu về bệnh của động vật hoang dã. Điều cần thiết là tăng số lượng bác sĩ thú y trong nước điều trị động vật hoang dã và nâng cao năng lực cho ngành này.

Nhật Anh (Theo Chinadaily)

Nguồn: