Điều gì sẽ xảy ra nếu virus corona (nCOV) được khống chế trong quý I hoặc quý II/2020?
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tác động của dịch Corona, 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 đều dưới 6,8%. Cụ thể, giả định dịch nCoV được khống chế trong quý I hoặc quý II năm nay, tăng trưởng GDP 2020 lần lượt ước tính đạt 6,27% và 6,09% so với năm 2019.
Trong đó, quý I/2020 là quý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá sẽ bị tác động mạnh nhất, với mức tăng trưởng chỉ đạt 3,8% – giảm gần 1 nửa so với mục tiêu ban đầu (6,52%). Chỉ số CPI bình quân năm 2020 trong 2 kịch bản trên lần lượt là 3,96% và 4,86%.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bao gồm du lịch, xuất khẩu nông thủy sản và nhập khẩu nhóm mặt hàng tư liệu sản xuất.
Cùng với quan điểm trên, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định tăng trưởng 2020 khó đạt kế hoạch đưa ra đầu năm là 6,8%, tuy nhiên kịch bản tăng trưởng GDP có khác biệt so với Bộ Kế hoạch và đầu tư
KBSV cũng đưa ra 2 giả định dịch cúm Corona sẽ được khống chế lần lượt trong quý I và quý II/2020. Tăng trưởng GDP sẽ bị tác động giảm với mức giảm là 0,4% và 0,8% so với mục tiêu ban đầu (6,8%), lần lượt là 6,4% và 6,0%.
Khác biệt trong tính toán của KBSV về tác động của dịch cúm Corona đối với hoạt động du lịch do những nguyên nhân sau.
Thứ nhất, hiện các chuyến bay từ/tới Hồng Kong, Đài Loan và Macau đã phần nào được khôi phục lại từ ngày 02/02.
Thứ hai, mùa kinh doanh du lịch sẽ bắt đầu giai đoạn cao điểm từ tháng 4, do vậy cơ hội hồi phục vẫn tương đối khả quan. Thiệt hại sụt giảm của doanh thu từ khách quốc tế tới tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 0,4% trong kịch bản 1 và 0,6% trong kịch bản 2.
Đối với hoạt động xuất khẩu, xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch với các mặt hàng nông – lâm – thủy sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất với mức giảm ước tính khoảng 25% trong quý I/2020 do thời gian đóng cửa biên giới kéo dài tới cuối tháng 2 và các mặt hàng này không thể để tồn kho.
Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng tư liệu sản xuất cũng sẽ giảm khoảng 10% trong cả 2 kịch bản, chủ yếu do gián đoạn trong sản xuất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo quan điểm của KBSV vẫn có một số điểm tích cực đến từ các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, có thể lưu kho để nhập khẩu lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chủ động tăng cường nhập khẩu trước Tết Nguyên Đán (do nghỉ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc thường kéo dài). Và cuối cùng, hoạt động giao thương thông qua đường biển vẫn được duy trì. Chính phủ cần đẩy mạnh các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong quý II/2020.
KBSV nhận định, để có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng của năm 2020, Chính phủ sẽ cần phải đẩy mạnh hơn các yếu tố hỗ trợ, trong đó nổi bật nhất là giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án lớn như đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành.
Về chính sách tiền tệ, KBSV đánh giá trong quý I/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các Ngân hàng Thương mại có những biện pháp hỗ trợ (giảm lãi suất cho vay) đến những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Corona. Trong quý II/2020, trong trường hợp lạm phát được giữ ở mức ổn định, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp như hạ trần lãi suất, hạ lãi suất điều hành, nới room tín dụng cho các bank đã đạt Basel II, và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản hệ thống.