Trong giai đoạn 2006 đến 2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã để xảy ra hàng loạt sai phạm về đất đai và quản lý tài nguyên khoáng sản.
Thanh tra Chính phủ vừa Thông báo Kết luận Thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 – 2017).
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về hoạt động đất đai, xây dựng và khoáng sản ở Phú Thọ với sự tiếp tay, buông lỏng quản lý của UBND tỉnh này đã được chỉ rõ.
Hàng loạt “ông lớn” sai phạm tài chính nhiều tỷ đồng
Từ quản lý đất đai, đến xây dựng, quản lý đầu tư công, khoáng sản, UBND tỉnh Phú Thọ và thuộc cấp cùng với các doanh nghiệp đầu tư trong quá trình thực hiện đã có những hành vi vi phạm hết sức rõ ràng.
Theo Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã để xảy ra hàng loạt những vi phạm liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp “có máu mặt” trên địa bàn tỉnh này.
Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm về tài chính ở các gói thầu kiểm tra, gây thất thoát tiền Nhà nước.
Cụ thể, những vấn đề như công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và nghiệm thu thanh toán các gói thầu, đề xuất quyết toán, điều chỉnh giá không đúng quy định, định mức của Bộ Xây dựng. Các sai phạm bị phát hiện với tổng số tiền sai phạm hơn 42,852 tỷ đồng.
Trong số những vi phạm về tài chính trên địa bàn Phú Thọ, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường bị phát hiện “ăn” tiền chênh lệch tại hàng loạt dự án.
Tại Dự án điều chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì do Sở GT-VT Phú Thọ làm chủ đầu tư, bị phát hiện sai phạm tổng số tiền hơn 8,045 tỷ đồng. Những sai phạm rõ ràng như việc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông 1 – CIENCO1 không thực hiện việc lập dự toán nhưng vẫn hưởng số tiền 220 triệu đồng.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường “ăn” chênh lệch hơn 4,1 tỷ đồng do áp dụng định mức không đúng quy định giữa thi công bằng máy và thủ công.
Cũng trong dự án này, Sở GT- VT Phú Thọ thanh toán không đúng quy định cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đối với khoản thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường số tiền hơn 3,6 tỷ đồng….
Cũng là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, tại dự án Cải tạo, nâng cấp đường vùng chậm lũ đoạn Thanh Sơn – Bến Ngọc – La Phù do Sở NN-PTNT Phú Thọ làm chủ đầu tư, giá trị áp dụng định mức không đúng quy định gần 2 tỷ đồng.
Một “ông lớn” trong lĩnh vực xây dựng ở Phú Thọ là Công ty Cổ phần Đạt Hưng, là nhà thầu thi công dự án Cứng hóa mặt đê tả Sông Lô (gói thầu số 5) thuộc dự án Cầu sông Lô và cứng hóa mặt đê tả sông lô, huyện Đoan Hùng do Sở NN-PTNT Phú Thọ làm chủ đầu tư sai phạm số tiền 116,80 triệu đồng.
Tại dự án Khu công nghiệp Thụy Vân, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tiếp tục được áp dụng không đúng định mức 2,9 tỷ đồng. Giá trị chênh lệch tăng khi điều chỉnh mức đào đất cấp IV về đất cấp III do doanh nghiệp này thực hiện tiếp tục áp dụng không đúng 343 triệu đồng…
Vi phạm trong hoạt động khoáng sản
Một trong những vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là hoạt động khai thác khoáng sản. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ nhiều sai phạm về công tác quản lý, cấp phép, tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nóng” về lĩnh vực này ở Phú Thọ chưa bị cơ quan thanh tra “sờ” tới.
Qua các dự án kiểm tra, theo Thanh tra Chính phủ, về thủ tục pháp lý, UBND tỉnh Phú Thọ chưa kịp thời trình Thủ tướng và chưa kịp thời ban hành một số văn bản như: Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạp cấm hoạt động khoáng sản ở từng giai đoạn; khu vực không đấu giá quyền khai khoáng. Đặc biệt là văn bản quy định, hướng dẫn tính, thu phí bảo vệ môi trường, dẫn đến các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong một thời gian dài.
Cụ thể, trong giai đoạn 2006 – 2017, sản lượng khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường là 21.522.167 (tấn và m3), trong đó giai đoạn 2009 – 2015 có số lượng khoảng 7.396.430 (tấn và m3) theo quy định phải thực hiện quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, nhưng UBND tỉnh Phú Thọ không thực hiện, các sở, ngành chức năng cũng không tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện, dẫn đến thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh hàng loạt sai phạm khác về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, giai đoạn 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34 ha so với quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm Luật Đất đai. Điển hình như tại Quyết định ngày 25/8/2014, mỏ đá xây dựng xóm Quẽ, xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn “ăn” vào đất rừng phòng hộ và sản xuất với diện tích 90 ha.
Về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trong năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ cấp gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ TN-MT công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông cho Công ty TNHH khoáng sản Thành Phương và tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn cho Công ty TNHH Khoáng sản và xây dựng HAT…
UBND tỉnh Phú Thọ cũng cấp 24 giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo quy định. Tại mỏ đá xóm Pheo, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, UBND tỉnh Phú Thọ cấp lại giấy phép cho Công ty CP thi công cơ giới Chiến Thắng mở rộng với diện tích hơn 63.660m2, thời hạn khai thác 2 năm nhưng không có quyết định phê duyệt đánh giá hàm lượng, trữ lượng khoáng sản…
Qua thanh tra phát hiện sai phạm về tài chính trong hoạt động khoáng sản ở Phú Thọ lên đến 24.163,845 triệu đồng…
Về xử lý trách nhiệm. UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc UBND tỉnh và các cơ quan liên quan. Ngày 9/1/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra. Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ.