Dân yêu cầu chính quyền Đà Nẵng xử lý dứt điểm ô nhiễm để giữ uy tín “TP đáng sống”

Được xứng danh “Thành phố đáng sống”, nhưng hàng trăm hộ dân Đà Nẵng sống quanh khu vực hồ Bàu Trảng phải sống trong tình trạng hôi thối, ô nhiễm trầm trọng khiến người dân bức xúc, thậm chí hổ thẹn vì danh hiệu này.

Sáng ngày 10-2, UBND phường Thanh Khê Tây (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức buổi gặp gỡ giữa đại diện của hàng trăm hộ dân quanh hồ Bàu Trảng , để có cuộc giải bày tâm tư “đối thoại” với Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (đơn vị vận hành Công trình thu gom nước thải và nạo vét hồ Bàu Trảng).

Tại buổi gặp, UBND phường Thanh Khê Tây cùng đại diện BQL ghi nhận hàng chục ý kiến bức xúc của người dân. Ông Phạm Đắc Thái (ngụ đường Bàu Trảng 4, phường Thanh Khê Tây) thắc mắc về phương pháp nạo vét bùn hôi tại lòng hồ Bàu Trảng. Theo ông Thái, việc BQL nạo bùn khi chưa rút hết nước khiến điều này trở thành vô nghĩa.

“Hơn 4 năm nay, hồ không còn cá để chết. Hệ thống sục oxy để cho cá thở hơn nửa tháng nay cũng đã dừng hoạt động. Từ khi BQL thi công công trình toàn dự án từ Phần Lăng đến hồ Bàu Trảng có vốn đầu tư đến 130 tỉ đồng nhưng nước hồ tại đây không những không được cải thiện, mà còn ô nhiễm nặng hơn. Nước chưa bao giờ xanh trở lại”, ông Thái bức xúc.

Người dân Bàu Trảng bức xúc trong buổi đối thoại sáng 10-2 tại UBND phường Thanh Khê Tây

Đồng tình với ý kiến của ông Thái, hàng chục người dân cũng cho rằng Dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải bao quanh kênh Phần Lăng và tuyến ống bao thu lẫn trạm bơm nước thải dọc tuyến Nguyễn Tất Thành (bao gồm Công trình xử lý nước tại hồ Bàu Trảng) là không có hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thân (trú đường Bàu Trảng 7) đề nghị lực lượng chức năng phải có hướng xử lý gấp ô nhiễm tại đây để giữ vững uy tín của TP.

“Hồ Bàu Trảng nằm sát cạnh cầu vượt Ngã Ba Huế, là cửa ngõ của TP Đà Nẵng. Việc hồ ô nhiễm trầm trọng suốt thời gian qua không những ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đà Nẵng. Chúng tôi thực sự hổ thẹn về danh xưng “thành phố đáng sống” được thốt ra khi bạn bè đến thăm nhà. Thực sự quá hôi thối”, bà Thân khẳng định.


Ô nhiễm trầm trọng tại hồ điều tiết Thanh Lộc Đán (Bàu Trảng) sáng 10-2

Tại buổi gặp, cán bộ môi trường BQL và đại diện tư vấn BQL thừa nhận tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại khu vực trên. Bên cạnh đó, đại diện BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cũng ghi nhận toàn bộ ý kiến người dân, báo cáo lại với lãnh đạo cấp trên.

“Dự án nạo vét lòng hồ Bàu Trảng, trong quá trình làm chắc chắn sẽ phát tán mùi hôi, BQL mong mọi người thông cảm. Về công trình thu gom và xử lý nước thải, BQL đã hoàn thành vào tháng 8-2019 và bàn giao cho UBND phường và Công ty thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng vận hành”, bà Trần Thị Lựu (cán bộ môi trường thuộc BQL) trần tình.


Người dân “chết ngạt”, hàng quán đóng cửa vì mùi hôi và khí độc bốc lên từ lòng hồ ô nhiễm

Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng khẳng định đơn vị chưa hề nhận bàn giao công trình nói trên, mọi vấn đề về hoạt động, vận hành của Công trình thu gom nước thải phải do BQL trả lời.

“Chúng tôi chưa hề nhận bàn giao, cũng như bất cứ hồ sơ nào về Công trình thu gom nước thải và nạo vét hồ Bàu Trảng. Hệ thống thi công xong đã vận hành được lần nào đâu mà nghiệm thu, bàn giao?”, ông Mã thông tin.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tình trạng ô nhiễm tại tuyến kênh Phần Lăng kéo dài từ Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đến kênh Phú Lộc (bao gồm cả hồ điều tiết Thanh Lộc Đán, thường gọi Bàu Trảng) kéo dài đã nhiều năm qua. Phần công trình tại hồ Bàu Trảng đã hoàn thiện thi công vào tháng 5-2019. Lòng hồ Bàu Trảng cũng được nạo vét phần bùn đáy vào khoảng thời gian trên.

Tuy nhiên, đến ngày 10-2, phóng viên ghi nhận cảnh toàn bộ diện tích gần 2 hecta mặt hồ đều đặc sệt, đen kịt màu nước cống. Công trình hơn 130 tỉ đồng vẫn chưa một lần được vận hành. Mùi hôi từ nước cống xộc thẳng vào mũi, gây mùi hắc và khó thở. Gần 300 hộ dân đều phải đóng kín cửa để tránh mùi. Một số hộ đăng thông tin cho thuê nguyên căn, thậm chí bán nhà đi nơi khác vì không chịu nỗi cảnh ô nhiễm tại đây.