Nền kinh tế thế giới phụ thuộc Trung Quốc cao đến chưa từng thấy và sự bùng phát của virus corona cho thấy họ đang phải trả giá đắt vì điều đó.
Ngày nay, “miếng bánh” của Trung Quốc trong thương mại trên toàn cầu đã gấp đôi so với thời dịch SARS bùng phát trong năm 2003 và sức ảnh hưởng của quốc gia này cũng nhờ đó mà tăng mạnh.
Một ước tính cho thấy rằng việc giảm 10 tỷ USD sản lượng sản xuất của Trung Quốc sẽ làm giảm 6,7 tỷ USD sản lượng còn lại của thế giới. Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ có thể “ngấm đòn” vì hoạt động sản xuất của Trung Quốc đi xuống và tính đến hiệu ứng gợn lên các ngành công nghiệp ngoại vi, hoạt động sản xuất sẽ giảm 65 tỷ USD.
Việc tạm ngưng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc do sự bùng phát của virus corona được cho là sẽ kéo dài cho đến Chủ nhật (09/02), nhưng vẫn còn chưa chắc chắn về thời điểm các hoạt động bình thường sẽ khởi động lại. Nếu việc tạm dừng hoạt động kéo dài, nó có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.
Nikkei đã hợp tác với Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản để phân tích các Bảng sản phẩm Đầu vào Đầu ra Thế giới của Ủy ban châu Âu (EC) và nhận thấy rằng sản lượng sản xuất của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD sẽ làm giảm sản lượng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của Hàn Quốc gần 300 triệu USD. Hơn nữa, việc giảm nguồn cung từ Trung Quốc sẽ làm giảm khoảng 200 triệu USD các lô hàng thành phẩm của Hàn Quốc. Tính cả thảy, Hàn Quốc có thể bị thiệt hại tới 500 triệu USD. Chi phí cho tất cả các quốc gia và khu vực cộng lại (ngoài Trung Quốc), sẽ lên tới khoảng 6,7 tỷ USD.
Nhưng tác động có thể có thể lớn hơn thế. Chẳng hạn, Hyundai Motor lắp ráp 34.000 xe/tuần tại ba cơ sở ở Hàn Quốc. Việc sản xuất đó sẽ ngừng hoạt động đến ngày thứ Ba (11/02) vì quá trình cung ứng phụ tùng xe hơi và thiết bị điện tử từ Trung Quốc bị gián đoạn. Hoạt động sản xuất có thể khởi động lại vào ngày thứ Tư (12/02), nhưng rất khó để dự đoán những gì sắp xảy ra.
Một nhà phân tích tại một công ty đầu tư của Hàn Quốc lưu ý rằng việc dừng hoạt động sản xuất một tuần tại Huyndai có thể dẫn đến thua lỗ 700 tỷ won (587 triệu USD).
Tại Đài Loan, TSMC, một nhà cung cấp chip lớn của Apple, và Largean Precision, chuyên sản xuất ống kính máy ảnh, chứng kiến giá cổ phiếu của họ tụt dốc. Mặc dù sản xuất tại Đài Loan, nhưng các công ty này đã bị tác động bởi Hon Hai Precision Industry của Đài Loan vì đây là một trong số những công ty sản xuất điện thoại iPhone ở Trung Quốc.
“TSMC và những công ty khác dự kiến sẽ thắng lớn nhờ nhu cầu cho điện thoại thông minh 5G, nhưng sự gián đoạn trong sản xuất điện thoại thông minh ở Trung Quốc có thể sẽ buộc các kế hoạch sản xuất bị chùn lại”, một nhà phân tích tại một công ty đầu tư Đài Loan nói.
Samsung Electronics của Hàn Quốc, nơi cung cấp linh kiện cho Apple và ông lớn viễn thông Huawei của Trung Quốc, cũng gặp áp lực rất nhiều. Bên cạnh đó, LG Electronics chứng kiến giá cổ phiếu giảm 7% kể từ cuối năm ngoái.
Với các nền kinh tế nhỏ hơn so với Mỹ hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chắc chắn sẽ cảm thấy bị tác động mạnh hơn.
Nhưng Nhật Bản không tránh khỏi làn sóng tác động này. Nhà sản xuất ô tô Honda Motor đã tiết lộ sẽ trì hoãn việc khởi động lại hoạt động tại nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc và Toyota Motor cũng sẽ kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy Trung Quốc. Các động thái này sẽ tác động đến các nhà sản xuất phụ tùng chính của Nhật Bản.
Việc ngừng cung ứng linh kiện từ Trung Quốc cũng sẽ gây khó khăn cho các công ty Mỹ. Apple phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho các sản phẩm như điện thoại thông minh. Việc họ ngừng sản xuất sẽ trực tiếp khiến doanh số bán hàng bị giảm mạnh.
Khi hiệu ứng lan tỏa gián tiếp đến các ngành công nghiệp liên quan ở Trung Quốc, chẳng hạn như giảm sản lượng, được tính tới, tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc tạm ngưng hoạt động sản xuất sẽ lên tới khoảng 65 tỷ USD, lớn hơn khoảng 6,5 lần so với sự sụt giảm sản lượng do tác động trực tiếp.
Trung Quốc cũng là quốc gia có tỷ trọng thương mại hàng đầu thế giới, trong đó Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) ước tính tỷ lệ thương mại toàn cầu của Trung Quốc ở mức khoảng 12%, vượt mặt Mỹ. Vào năm 2003, Trung Quốc có tỷ lệ thương mại toàn cầu dưới 6%.
Đài Loan, nhà cung cấp chính các bộ phận điện tử cho Trung Quốc, nhận thấy tỷ trọng thương mại với Trung Quốc chiếm 36%. Đối với thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc, con số này là 28%. Người ta thường nói rằng khi Mỹ hắt hơi, Nhật Bản bị cảm lạnh. Bây giờ tỷ lệ thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc lên tới 22%, vượt quá mức 15% giữa Nhật Bản với Mỹ. Tại Đức, một quốc gia xuất khẩu máy móc, tỷ lệ này là 6%. Cả Nhật Bản và Đức đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về tỷ lệ thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2003.
Các quốc gia mới nổi đang lo ngại về suwj đảo ngược của dòng vốn từ Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc, không bao gồm các khoản đầu tư vào Hồng Kông và Macao, là 8,1 tỷ USD trong năm 2003. Con số này tăng vọt lên 870 tỷ USD trong năm 2018, gấp hơn 100 lần so với 15 năm trước.
Sự tăng trưởng trong khoản đầu tư của Trung Quốc đặc biệt dễ thấy ở Đông Nam Á, trong đó sự hiện diện của Trung Quốc gia tăng đáng kể tại Malaysia và Indonesia từ năm 2003. Tùy thuộc vào quá trình bùng phát của virus corona trong tương lai, khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có thể bị mất đà, cũng có khả năng có thể gây ra sự đảo ngược trong dòng tiền của Trung Quốc.