Năm nay, cảnh báo sớm, địa phương vào cuộc sớm nên người dân rất chủ động, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tính chủ động của người dân mới là cái quyết định.
Từ ngày 8-16/2, dự báo Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn và xâm nhập mặn ở mức rất cao, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km, ranh mặn 4 g/l có thể ảnh hưởng sâu từ 95-100km tại Sông Vàm Cỏ.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ về những giải pháp ứng phó.
– Xin Thứ trưởng cho biết tình hình hạn và xâm nhập mặn diễn ra Đồng bằng sông Cửu Long?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đến thời điểm này những dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất chính xác.
Về tổng thể, tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long như hạn, mặn lịch sử 2015-2016 nhưng cũng có những thời điểm cao hơn.
Đến nay, so với cùng thời điểm 2015-2016 đã có nhiều chỗ vào sâu hơn, thậm chí sâu đến gần 70km như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Do đó, hạn mặn ở khu vực này được xác định như năm 2015-2016, thậm chí là cao hơn.
Theo dự báo của Bộ, hạn, xâm nhập mặn khả năng vẫn tiếp tục và không còn theo quy luật thường 5 năm lặp lại như trước đây. Vì tình hình bị tác động bởi từ thượng lưu, biển và nội tại của Đồng bằng sông Cửu Long. Cả 3 yếu tố này sẽ tác động mạnh mẽ đến hạn, mặn.
Về thượng lưu, các thủy điện chính trên sông Mekong, sông Lan Thương – hai dòng chảy chính về Đồng bằng sông Cửu Long càng ngày sẽ càng có nhiều hơn và bắt đầu đưa vào sử dụng.
Nguy cơ cao là các nước thượng nguồn như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… cũng rất khó khăn về nguồn nước. Như vậy nước về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng ít đi.
Phía biển, khi thủy triều lên mặn càng sâu. Thủy triều ngày càng cao do biến đổi khí hậu.
Về nội tại Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian cần đây khu vực này đã có sự phát triển nóng về hạ tầng: dân cư, nông nghiệp, công nghiệp… sự phát triển này buộc phải dùng nước ngọt, nước ngầm nhiều hơn và dễ gây tình trạng sụt lún. Sụt lún sẽ có tác động ngược trở lại vì nền đất sẽ thấp xuống.
Trước những yếu tố đó, Đồng bằng sông Cửu Long nếu không có các giải pháp sẽ càng ngày đối diện với hạn, xâm nhập mặn nhiều hơn. Năm 2019-2020 chắc chắn sẽ không phải kỷ lục vì kỷ lục sẽ ở tương lai.
– Trước thực trạng như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Hạn, mặn năm 2015-2016, Việt Nam mất 1 triệu tấn lúa và 500.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt… Năm đó, ngành nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. Như vậy sự tác động ở Đồng bằng sông Cửu Long với toàn quốc là rất lớn.
Năm 2019-2020, thiệt hại sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2015-2016. Bởi diện tích lúa dự báo sẽ chỉ bị ảnh hưởng khoảng 100.000ha, cây ăn trái khoảng 130.000 ha, 100.000 hộ thiếu nước. Nhưng đến thời điểm này, cùng với các giải pháp của Bộ, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, người dân, thiệt hại sẽ thấp.
Về sản xuất, ngay từ tháng 9/2019, khi Đồng bằng sông Cửu Long đón lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị để triển khai các giải pháp ứng phó với mùa hạn, mặn này. Khi đó Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy gieo cấy vụ Đông Xuân sớm trước 1 tháng.
Vụ này thường thu hoạch tháng 2-3 nhưng một số địa phương đã thu hoạch. Bên cạnh đó, vụ này các địa phương khu vực chỉ sản xuất 1,5 triệu ha lúa, thấp hơn 0,1 triệu ha so với hằng năm.
Với cây ăn trái nếu bị mặn sẽ thiệt hại lớn vì sẽ ảnh hưởng đến cả những năm sau. Nông dân đã chủ động các bờ bao tích nước ngọt, thậm chí các túi nước có thể chứa 20-30m3 nước nhưng giá thành chỉ 2-3 triệu nên người dân chuẩn bị tương đối tốt. Do đó, thiệt hại về cây ăn trái dự báo sẽ không nhiều.
Với nước sinh hoạt, các địa phương đã có nhiều giải pháp được triển khai từ tháng 9/2019 như việc nối dài đường ống, điển hình Trà Vinh có những tuyến ống nối tới 60km.
Bên cạnh đó, tích nước ngọt không tập trung ở các hồ đập, kênh rạch. Các hộ gia đình ở xa khó tích được nước đều có các lu chứa nước. Gần như 100% hộ dân ở Tiền Giang khu vực không có nước đều có những lu chứa nước 2-3m3, đủ cho ăn uống trong 3 tháng mùa khô.
Về công trình, ở các địa phương đang được đầu tư như công trình điều hòa mặn ngọt đều được đẩy lên đưa vào sử dụng sớm từ 4-14 tháng. Trong tháng 1, nhiều địa phương đã đưa vào vận hành hàng loạt các công trình đảm bảo điều hòa mặn ngọt cho khoảng 300.000ha.
Các giải pháp chỉ là một phần, quan trọng là sự chủ động của người dân. Tôi đánh giá cao sự chủ động này. Hạn, mặn 2015-2016 bị thiệt hại nặng một phần do chủ quan bởi lịch sử chưa bao giờ bị như vậy. Thậm chí, chính quyền địa phương có chỉ đạo nhưng người dân vẫn thụ động.
Năm nay, cảnh báo sớm, địa phương vào cuộc sớm nên người dân rất chủ động. Tôi cho rằng năm nay, tính chủ động của người dân mới là cái quyết định.
– Đây là vùng luôn bị tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn, vậy có những giải pháp công trình gì mang tính dài hạn không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt.
Đối với sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục, hiện nay cơ cấu sản xuất khu vực này là lúa-trái cây-thủy sản, nhưng sau 2020, trục sản xuất sẽ là thủy sản-trái cây-lúa. Như vậy lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.
Muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, phải xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này.
Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu. Nếu muốn nuôi tôm mà không có cả nước mặn, ngọt thì không thể nuôi được.
Chính vì thế hạ tầng thủy lợi phải đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi phải đáp ứng được cả sản xuất và sinh hoạt. Thủy lợi phải đa mục tiêu chứ không chỉ là tưới tiêu.
Sẽ có nhiều công trình được đầu tư theo hướng điều tiết mặn, ngọt bằng giải pháp là các cống đóng mở chủ động. Việc điều tiết này sẽ góp phần hạn chế việc lấy nước từ nước ngầm, tránh tác động đến sụt lún.
Điển hình Bến Tre là tỉnh thường bị ảnh hưởng hạn, mặn nhất. Nhưng với các công trình và giải pháp hiện này thì dự kiến năm 2024, tỉnh này sẽ có thể chủ động được việc điều tiết mặn, ngọt. Với Cà Mau, Bộ cũng như địa phương đang tìm các giải pháp để nơi này có nước ngọt.
– Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện Nghị quyết này đang được triển khai như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đây là một trong những nghị quyết rất quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Tài Nguyên và Môi trường là thường trực, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cơ chế điều phối liên vùng và xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng.
Hiện các bộ, ngành và địa phương vào cuộc rất quyết liệt triển khai Nghị quyết này. Riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những đề án tái cơ cấu vùng, hiện đại hóa hạ tầng cơ bản xong cùng với hàng hoạt các giải pháp về công trình như đã nói ở trên cũng là nhằm mục đích thực hiện Nghị quyết 120.
– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định thành lập Tổ tiền phương phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với cương vị là tổ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết nhiệm vụ chính của Tổ này là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Tổ có 3 nhiệm vụ chính. Đó là Tổ phải nắm được thực trạng để từ đó đưa ra các quyết sách. Tổ sẽ phối hợp, hỗ trợ các tỉnh vì trong tổ rất nhiều chuyên gia để bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài về cả công trình và phi công trình.
Tổ sẽ đề xuất với Bộ để Bộ đề xuất với Chính phủ những giải pháp, hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp nhằm đảm bảo mục tiêu không để xảy ra thiệt hại sản xuất, không để người dân không có nước ngọt.
– Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.