Một công ty ở TP Thượng Hải của Trung Quốc vừa thử nghiệm các mẫu vaccine ngăn ngừa virus corona trên động vật.
Kể từ khi dịch viêm phổi do virus corona bùng phát ở Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học từ nhiều công ty dược phẩm và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine chống virus chết người khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Ngày 9/2, trương Đại học Y khoa Tongji ở Thượng Hải (Trung Quốc) và một công ty ở Thượng Hải đang tiến hành thử nghiệm các mẫu vaccine m-RNA ngừa virus corona trên hơn 100 con chuột nhắt.
Thử nghiệm trên động vật là bước bắt buộc đối với bất kỳ loại vaccine nào trước khi dùng cho cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Tongji đang sử dụng những con chuột nhắt khỏe mạnh để thử nghiệm một số mẫu vaccine mới nhất chống virus corona.
Ông Liu Zhongmin – Giám đốc Bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc trường Đại học Y khoa Tongji, cho biết thử nghiệm trên chuột chỉ là sàng lọc sơ bộ để tìm loại vaccine phù hợp.
Sau khi nhóm nghiên cứu xem xét kháng thể hiệu quả chống lại virus, vaccine tiềm năng sẽ tiếp tục trải qua thử nghiệm độc lực học, đòi hỏi những loài vật lớn hơn như khỉ. Quá trình trên sẽ cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine trước thử nghiệm lâm sàng.
Giám đốc Liu cho biết nhóm nghiên cứu cần tổng cộng hơn 100 con chuột để tiến hành thử nghiệm vào hôm 9/2. Để đảm bảo tính khách quan, thử nghiệm trên động vật với cùng mẫu vaccine cũng được thực hiện đồng thời ở Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc và Viện quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia tại Bắc Kinh.
Theo ông Liu, vaccine dựa trên mRNA là một trong những công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất hiện nay, giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và cho hiệu quả cao hơn.
Loại vaccine này được thiết kế và phát triển trong chương trình hợp tác giữa CDC Trung Quốc, Đại học Y khoa Tongji và một công ty vaccine ở Thượng Hải.
Sau khi lấy kháng nguyên từ CDC Trung Quốc hồi cuối tháng 1, tiến sĩ Li Hangwen, giám đốc điều hành công ty Stemirna Therapeutics LLC và nhóm nghiên cứu mất hai tuần để sản xuất các mẫu vaccine m-RNA. Theo ông Li, họ đã chuẩn bị 9 – 12 kháng nguyên khác nhau cho những mẫu vaccine trong thử nghiệm trên động vật.
Tiến sĩ Li lưu ý thêm rằng vaccine thông thường phải trải qua ba bước thử nghiệm lâm sàng. Thời gian có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm tùy theo bệnh nhân. Nếu thử nghiệm trên động vật phát huy hiệu quả, họ có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng sâu hơn vào đầu tháng 4.
Mặc dù Trung Quốc cũng như các nước mong muốn sớm có vaccine giúp ngăn chặn virus corona lây lan, các nhà khoa học cho biết việc phát triển một vaccine hiệu quả phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng trong cộng đồng.
Việc nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa virus đang được nhiều đơn vị nghiên cứu vào cuộc. Đã có hàng chục công ty và tổ chức trong nước và toàn cầu đầu tư số tiền khổng lồ để tạo vaccine cho loại virus corona mới này.
Tính đến ngày 10/2 đã có 97 ca tử vong vì virus corona, tăng 11,9% so với số liệu trước đó 1 ngày, nâng tổng số người chết lên 910, hơn gần 100 người so với đại dịch SARS.
Nguyễn Phương (Theo CGTN)