Thái Lan vừa tuyên bố dừng các kế hoạch do Trung Quốc khởi xướng nhằm mở rộng một khúc quan trọng của sông Mê Kông. Kết quả này được coi là một chiến thắng hiếm hoi của các nhà hoạt động đấu tranh bảo tồn tuyến đường thủy quan trọng nhất Đông Nam Á.
Bắc Kinh từ lâu đã muốn nổ mìn 97 km đá ngầm và nạo vét lòng sông ở miền bắc Thái Lan để thông đường cho các tàu hàng có tải trọng lớn.
Tầm nhìn của dự án là tạo ra tuyến liên kết thương mại đường sông hàng ngàn km từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đi qua các nước Mê Kông gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà môi trường cảnh báo dòng sông có mức độ đa dạng sinh học chỉ đứng sau sông Amazon sẽ bị việc nạo vét hủy hoại, trong khi chủ quyền và an ninh của Thái Lan cũng có thể bị xâm phạm.
Ngày 4/2, nội các Thái Lan công bố quyết định “dừng dự án” sau khi Bắc Kinh không thanh toán tiền cho việc khảo sát thêm khu vực dự tính sẽ được nạo vét.
“Đây là một quyết định táo bạo được một quốc gia ở hạ nguồn đưa ra. Đoạn sông Mê Kông này tuy nhỏ nhưng sẽ cứu được phần hạ lưu vực khỏi sự hủy diệt, bất chấp áp lực lớn từ một “ông kẹ” trong khu vực”, Pianporn Deetes thuộc International Rivers – tổ chức gần 20 năm nay tiến hành một chiến dịch cơ sở để bảo tồn dòng sông – hồ hởi chia sẻ.
Sông Mê Kông, được gọi là Lan Thương trong tiếng Trung Quốc, chảy ra Biển Đông, một trong những tuyến vận tải sầm uất nhất thế giới và mảnh ghép quan trọng về cơ sở hạ tầng và thương mại trong chiến lược Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Bắc Kinh hiếm khi từ bỏ các dự án dài hạn ở khu vực sông Mê Kông, thường sẽ điều chỉnh về tài chính hoặc việc lập kế hoạch cho các con đập, cảng và mỏ khoáng sản gây tranh cãi trong khu vực mà họ coi là sân sau.
Trung Quốc khẳng định thông qua các đập thủy điện và thương mại, nước này muốn phát triển bền vững dòng sông.
Nhưng dòng sông đã thay đổi khi Thái Lan và Campuchia phàn nàn về nguồn cá giảm và vùng đất giàu dinh dưỡng ở đồng bằng Việt Nam lún xuống do dòng trầm tích bị xáo trộn bởi các con đập ở thượng nguồn.
Giới chuyên gia cũng cho biết các siêu đập ở Trung Quốc và Lào đang gây ra hạn hán theo mùa ở Thái Lan.
Nhật Anh (Theo phys.org)