Nghiên cứu mới được công bố cho thấy virus được phát hiện ở loài tê tê có trình tự bộ gene giống đến 99% với virus corona chủng mới lây nhiễm sang người.
Cho đến nay, chuyện loài vật nào là vật chủ trung gian của chủng virus corona mới, được cho là lần đầu lây sang người tại Vũ Hán, Trung Quốc, vẫn là một bí ẩn. Một nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học Trung Quốc kết luận tê tê có thể là vật chủ trung gian trong dịch bệnh lần này, theo Caixin.
Trong cuộc họp báo hôm 7/2 tại Đại học Nông nghiệp Hoa Nam ở Quảng Châu, Quảng Đông, nhóm nghiên cứu cho biết kết luận được đưa ra sau khi họ phân tích hơn 1.000 mẫu “hệ gene cộng đồng” (metagenome) của nhiều loài động vật hoang dã khác nhau có khả năng mang virus corona chủng mới.
Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy tỷ lệ dương tính với virus corona beta ở loài tê tê là 70%. Tiếp tục cô lập và quan sát virus dưới kính hiển vi, các nhà nghiên cứu nhận thấy trình tự bộ gene của nó giống đến 99% so với chủng virus lây nhiễm sang người.
“Những kết quả trên cho thấy tê tê là vật chủ trung gian tiềm năng của chủng virus corona mới”, giáo sư Tiêu Lập Hoa, nhà khoa học nổi tiếng và là một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.
Dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ một chợ hải sản tươi sống Hoa Nam, nơi đồng thời buôn bán nhiều loài động vật hoang dã, ở Vũ Hán, tỉnh lỵ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nhiều trong số các ca nhiễm đầu tiên có mối liên hệ với chợ này.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học The Lancet hôm 29/1 cho biết dơi có thể là loài vật mang mầm bệnh. Tuy nhiên, dơi không được bán ở chợ Hoa Nam, nên các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có loài vật khác đóng vai trò trung gian truyền bệnh.
Nghiên cứu mới được cho là có thể giúp hỗ trợ việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, hiện đã lây nhiễm cho hơn 31.000 người trên toàn thế giới và làm ít nhất 638 người tử vong, chủ yếu là tại Hồ Bắc.