Pak Chim là một làng nhỏ bên bờ một dòng nhánh sông Mê Kông và nguyên trưởng làng Nok nhớ rõ khoảnh khắc biết ngôi làng của mình sẽ không còn nữa.
Thời điểm đó là một thập kỷ trước. Vài trăm cư dân Pak Chim và những ngôi làng gần đó tọa lạc dọc theo sông Nam Ou được các quan chức từ chính phủ Lào và công ty quốc doanh Trung Quốc Sinohydro Corp mời đến họp.
Đập sẽ được xây dựng. Không chỉ một mà là một chuỗi gồm bảy con đập do Trung Quốc lên kế hoạch dọc theo Nam Ou – từng là một trong những dòng nhánh nhiều cá và trầm tích nhất sông Mê Kông. Tất cả dân làng sẽ phải di dời ra xa khỏi dòng sông đã làm nên cuộc sống của họ.
Các quan chức đã thuyết phục người dân bằng những lời hứa về nhà mới, điện và đường sá. Người nghèo sẽ trở nên giàu có. Nước Lào không có biển sẽ hoàn thành sứ mệnh trở thành “cục pin của châu Á”.
“Họ nói với chúng tôi rằng đây là sự hy sinh cần thiết để phát triển. Sau đó, chúng tôi cũng không chắc chắn lắm về những lời hứa của họ”, trưởng làng Nok, 55 tuổi, chỉ dùng biệt danh vì sợ bị trả thù vì chỉ trích chính phủ..
Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong 10 năm qua tàn khốc hơn những gì cư dân có thể tưởng tượng.
Sông Mê Kông và các dòng nhánh chảy qua sáu quốc gia, từ Trung Quốc xuống lục địa Đông Nam Á. Các chuyên gia lo lắng rằng những ngày ngày cuối cùng khi dòng sông “là một hệ sinh thái lành mạnh” sắp kết thúc do cuộc khủng hoảng nhân tạo từ việc xây đập vô độ và biến đổi khí hậu.
Nam Ou là một trong những dòng nhánh quan trọng nhất nhưng phần lớn sẽ bị đập do Trung Quốc xây dựng chi phối bảy tầng khi những con đập này đi vào vận hành trong vài năm tới. Các ngôi làng đã bị san bằng để nhường chỗ cho dự án, xóa bỏ lối sống truyền thống.
Khi đập Nam Ou 2 và những đập khác ở thượng nguồn bắt đầu hoạt động thì đã thay đổi dòng chảy sông, gây ra tổn thất lớn trong các loài cá độc nhất vô nhị và khiến hàng ngàn người phải di dời. Các chuyên gia cảnh báo thiệt hại sẽ tăng lên một khi giai đoạn thứ hai của chuỗi đập, bao gồm các đập Nam Ou 1, 3 và 4, hoàn thành vào cuối năm nay.
Sông Mê Kông và các dòng nhánh giàu đa dạng sinh học của nó – huyết mạch của hơn 60 triệu người Đông Nam Á – đã giảm xuống mức nước thấp nhất trong một thế kỷ vào mùa hè năm ngoái. Một phần của dòng sông đã thay đổi từ màu nâu bùn sang màu xanh da trời. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe dòng sông bị tổn hại, kết quả của sự sụt giảm đáng kể trầm tích. Nguồn cá đang trở nên khan hiếm. Lúa không thể được trồng trên bờ sông đói chất dinh dưỡng. Toàn bộ hệ sinh thái đang bị thay đổi mãi mãi.
Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson và là tác giả của một cuốn sách về sông Mê Kông cho rằng khu vực đang ở “điểm bùng phát”.
Nếu việc xây dựng đập tiếp tục không được kiểm soát, lưu vực sông Mê Kông đang trên đường tới “hiểm họa sinh thái” vốn bị biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng. Eyeler nhấn mạnh rằng những ngày cuối cùng của dòng sôngcó thể là “chính bây giờ”.
Các con đập trên sông Nam Ou và trên lưu vực sông Mê Kông là một phần của cái Trung Quốc gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường – một mạng lưới các dự án nhằm củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khắp châu Á và xa hơn nữa. Mỗi dự án phát triển – đập, cảng và đường sắt – mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng lâu dài trong nền kinh tế và thương mại một quốc gia.
Ở Lào, 60 con đập được xây dựng trên sông Mê Kông cùng các dòng nhánh và thêm 63 đập đang được xây dựng mặc dù một vụ vỡ đập lớn vào năm ngoái đã cướp đi hàng chục mạng người. Các dự án đập dọc theo Nam Ou chiếm hơn 80% chiều dài con sông.
Có hơn 370 con đập được lên kế hoạch dọc theo chiều dài 2.700 dặm của sông Mê Kông từ Trung Quốc qua trung tâm Đông Nam Á, nối liền Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Nhà hoạt động môi trường thuộc International Rivers Pianporn Deetes – người đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Nam Ou để ghi lại tác động của việc xây dựng đập cho rằng người Trung Quốc không nhìn những dòng sông như Nam Ou “là sông mà là phòng thí nghiệm”.
“Họ muốn sở hữu toàn bộ dong sông chỉ để đùa giỡn”.
“Không biết chúng tôi có thể ở lại không”
Thị trấn Muang Khua từng sống dựa vào du khách ba lô đến từ Việt Nam háo hức đi dọc theo Nam Ou đến Luang Prabang – một trong những chuyến đi trên sông đẹp nhất thế giới.
Nhưng những chiếc thuyền gỗ bây giờ trống trơn. Bên cạnh điểm khởi hành là hướng dẫn bằng tiếng Anh cho khách du lịch cách đi qua các con đập chặn đường.
Điều khiến dân làng lo lắng nhất là những dấu đỏ đánh dấu ngôi nhà của họ, cũng là ước tính mực nước sẽ dâng lên khi thượng nguồn đập Nam Ou 4 vận hành vào tháng 10.
Đầu năm nay, đại diện Sinohydro đưa ra thông điệp rõ ràng: Rời đi hoặc sẽ bị ngập lụt. Nhưng phái viên Sinohydro không bao giờ quay lại, và dân làng không biết phải làm gì.
“Có rất nhiều tin đồn. Chúng tôi không biết mình có thể ở lại đây hay phải rời đi,” một người chèo thuyền giấu tên khi trả lời phỏng vấn (giống như nhiều người khác.
Cho đến nay, các cộng đồng sống dựa vào dòng sông dọc theo nhánh Nam Ou này đang cố gắng sống như trước đây: loay hoay tìm vàng trong khi thủy triều xuống và bắt cá bằng mồi cỏ.
Trong khi chờ con đập hoàn thành, họ cũng lo lắng về sự khó lường của mực nước, vốn đang thay đổi vô thường.
Dòng sông hoang hóa
Những âm thanh xác định đoạn sông không có đập – tiếng gà gáy, tiếng động cơ loáng thoáng trên lưng các con thuyền – vắng dần quanh đập Nam Ou 2, giai đoạn đầu tiên của dự án đập được hòa mạng.
Con sông này là tuyến giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía bắc Lào, nhưng các con đập đã khiến việc đi lại bằng thuyền trở nên khó khăn.
Bây giờ, đoạn Nam Ou phía dưới con đập này đã bị hoang hóa.
Khoảng 2300 hộ gia đình đã buộc phải di dời và không thể kiếm sống từ dòng sông nữa. Các con đập đã cắt đứt dòng chảy tự nhiên của dòng sông đồng thời ngăn dòng trầm tích từ các khối núi đá vôi cao chót vót.
Một người đàn ông đánh cá cho biết mình đã đi từ Luang Prabang về phía nam vì quanh đập rất nhiều cá. Nhưng điều đó cũng là không tự nhiên. Cá bị mắc kẹt giữa hai con đập và không thể bơi xa hoặc nhanh như trước đây, khiến chúng dễ dàng bị đánh bắt.
Một vài dân làng cố gắng tiếp tục canh tác dọc theo dòng sông nhưng nói rằng mực nước thất thường khiến họ và gia súc đều khó tồn tại hơn.
“Nhìn sông đi… thật bẩn”
Khi đến gần Nam Ou 1, con đập gần ngã ba sông Nam Ou và sông Mê Kông, dấu hiệu thối rữa và mục nát càng rõ. Cành cây khô nhô khỏi mặt nước. Một con bò chết nổi lềnh bềnh. Rác lấp đầy sông.
Nước ở đây tù đọng đến nỗi không có gì chảy qua được.
Những người bị di dời phải chuyển đến chỗ cách xa dòng sông hơn. Sau khi các đập vận hành đủ công suất, nước sông sẽ dâng cao hơn vào những lúc cửa đập mở. Có biển cảnh báo họ tránh xa dòng sông nhưng dân làng không cần: Họ không muốn động tới tuyến đường thủy ô nhiễm này.
“Chúng tôi thường xuống đó để tắm, mọi phụ nữ. Nhưng bây giờ, hãy nhìn xuống sông đi. Đầy rác, thật bẩn thỉu”, bà Mai, 53 tuổi, vừa nói vừa đạp khung dệt lụa.
Somsak, 50 tuổi, đã chọn không rời đi và là người cuối cùng trong làng chưa nhận đền bù của chính phủ vì cho rằng không thỏa đáng.
Ông cho biết các quan chức chính phủ và đại diện công ty Trung Quốc cùng với cảnh sát đến gặp ông gần như hàng tuần để buộc ông phải chuyển đi.
“Có một khoảng cách lớn giữa những gì họ đền bù và những gì tôi cần để cuộc sống như hiện tại. Nếu chúng tôi không có lập trường, điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi và tương lai của chúng tôi?”.
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dòng sông
Trên những con đường dọc theo đập Nam Ou 1 chăng đầy biểu ngữ với những lời hứa hẹn hoành tráng: dự án trị giá 2,8 tỷ USD này khi hoàn thành sẽ cung cấp 39% tổng sản lượng năng lượng của Lào, có thể vào năm tới.
Công nhân Lào được chụp hình mỉm cười với công nhân Trung Quốc. Hình ảnh của các địa điểm du lịch Trung Quốc như Hổ Khiêu Hiệp và Vạn Lý Trường Thành được hiển thị cùng với các đền thờ Lào và các địa điểm khác ở Đông Nam Á.
Một tấm biển bằng tiếng Quan thoại và tiếng Lào viết: “Chúng tôi không ngừng tiến bước.”
Và tại Luang Prabang, khu di sản thế giới được UNESCO công nhận ở phía nam sông Nam Ou, có nhiều dấu hiệu về sự hiện diện của Bắc Kinh.
Một đường ray xe lửa lừng lững trên sông Mê Kông – một phần của tuyến đường sắt dài 256 dặm sẽ kết nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với thủ đô Viên Chăn của Lào. Dự án trị giá 7 tỷ USD này là một minh chứng khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Lào được coi là một mắt xích quan trọng trong các kế hoạch của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, nhiều người Lào lo lắng về việc Trung Quốc kìm kẹp kinh tế đất nước họ.
“Đôi khi, tôi nhìn vào tất cả những thứ này và cảm thấy chúng tôi thuộc về họ. Tôi chỉ lo lắng về thực trạng này”, một người lái thuyền giấu tên bày tỏ.
Nhật Anh (Theo Washington Post)