Theo một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Current Biology, ô nhiễm nhựa có thể tích tụ trong cơ thể của các loài chim biển, làm trầm trọng thêm các mối đe dọa chúng phải đối mặt trong tự nhiên.
Nhóm nghiên cứu đã cho các thanh nhựa tổ chim để xem xét các tác động trực tiếp của phơi nhiễm với nhựa và phát hiện rằng hóa chất từ nhựa tụ trong gan và mô mỡ của chim ở mức cao gấp hàng nghìn lần bình thường.
Theo dõi các loài chim biển hoang dã (bao gồm cả hải âu mày đen) cũng cho thấy phát hiện tương tự.
Nhóm nghiên cứu do Shouta Nakayama thuộc Đại học Hokkaido, Nhật Bản đứng đầu cho biết gần một nửa số loài chim biển trên thế giới đang suy giảm và 28% được xếp vào nhóm bị đe dọa ở cấp toàn cầu, ô nhiễm hóa học là một “mối đe dọa ngày càng lan rộng”.
“Những phát hiện này cung cấp bằng chứng trực tiếp về việc chim biển phơi nhiễm với chất phụ gia nhựa và nhấn mạnh vai trò của việc ăn các mảnh vụn trên biển là nguồn gây ô nhiễm hóa học”.
Theo đà hiện nay, ước tính 99% chim biển sẽ ăn chất thải nhựa vào năm 2050.
Chim có thể nhầm nhựa trôi nổi trên mặt nước là thức ăn – điều này có thể khiến chúng bị thương tích hoặc tử vong. Tác dụng của các hóa chất độc hại được cơ thể hấp thụ ít rõ ràng hơn.
Tiến sĩ Samantha Patrick thuộc Đại học Liverpool, người không liên quan đến nghiên cứu cho rằng bước tiếp theo là nên tìm hiểu xem hóa chất trong nhựa có ảnh hưởng bất lợi đến sinh sản và sinh tồn hay không.
Các nghiên cứu kiểm tra hệ lụy trực tiếp của việc ăn vào là rất quan trọng để hiểu được tác động “tiềm ẩn” của nhựa đối với chim biển.
“Nghiên cứu này chứng minh rằng nhựa làm tăng mức độ ô nhiễm trong chim biển non. Đây là một bước tiến quan trọng đến hiểu biết của chúng ta về cách nhựa ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển.”
Nhóm nghiên cứu đã xem xét những cá thể hải âu mặt trắng sống trên một vách đá ở đảo Awashima, Nhật Bản.
Sau đó, họ lấy mẫu để phân tích với các loài chim biển hoang dã sống ở quần đảo Hawaii, bao gồm hai loại hải âu, nhạn nâu và nhạn đầu xám, hai loài chim điên.
Nhật Anh (Theo BBC)