Chuột đá Lào là loài sống sót duy nhất của họ thú cổ Diatomydae đã bị xem là tuyệt chủng từ kỷ Miocence, cách đây khoảng 11 triệu năm, bất ngờ xuất hiện ở rừng Trường Sơn.
Các nhà khoa học vừa thực hiện cuộc điều tra đa dạng sinh học thú nhỏ ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) và công bố loài chuột phát hiện tại khu vực rừng Trường Sơn ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa – chính là loài sống sót duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae đã bị xem là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm trước.
Loài chuột này được đặt tên là chuột “Trường Sơn” bởi chỉ phân bố ở các hệ sinh thái núi đá vôi của dãy Trường Sơn. Phát hiện này đã bổ sung cho danh mục thú Việt Nam thêm một loài mới và một họ mới (Diatomyidae).
Trước đó, năm 2005, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra loài thú lạ này ở khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Hin Nậm Nô (Khăm Muộn, Lào) có hình dạng loài chuột và đặt tên là chuột đá Lào Laonastes aenigmamus.
Khi các nhà khoa học so sánh các đặc điểm hình thái của chuột đá Lào với với các mẫu hóa thạch của họ thú cổ Diatomyidae và khẳng định chuột đá Lào là loài sống sót duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae đã bị xem là tuyệt chủng từ kỷ Miocence, cách đây khoảng 11 triệu năm.
Điều thú vị là loài chuột đá Lào được xem là một hiện tượng “hiệu ứng hồi sinh” của họ Diatomyidae. Đây là loài chuột mà người đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã từng bẫy bắt được và sử dụng như một nguồn thực phẩm của họ trong thời gian đói khổ thiếu thức ăn ở các khu vực chân núi đá vôi và cả trong một số hang núi trên sườn dốc cao của dãy Trường Sơn.