Báo và hổ lại có thể rảo bước ở vùng hoang dã phía đông nhờ vào sự hợp tác lịch sử của Trung Quốc Nga, mở đường cho một vườn quốc gia xuyên biên giới.
Năm 2000, báo Amur gần như tuyệt chủng, chỉ còn lại khoảng 30 cá thể ở Nga và 2 ở Trung Quốc.
Hôm nay, bức tranh có nhiều màu sắc hy vọng hơn. Mặc dù vẫn là loài mèo lớn hiếm nhất thế giới nhưng hiện có gần 90 cá thể sống ở hai quốc gia.
Hổ Siberia, từng sống ở biên giới Nga – Trung từ trước khi những quốc gia này tồn tại, cũng phục hồi ấn tượng không kém. Vào những năm 1940, chỉ có 40 cá thể. Bây giờ là 540.
Sự phục hồi đáng nhớ này phần lớn do nỗ lực chung giữa Trung Quốc và Nga, được củng cố vào tháng 2/2019 khi cơ quan quản lý cả hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác.
Tháng 11/2019, hai bên đã gặp lại ở Vladivostok để soạn thảo kế hoạch làm việc và các chi tiết của một khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới chưa từng có. Khu vực được thảo luận sẽ trở thành sinh cảnh được bảo vệ cho những cá thể hổ báo hiện đang sống trong vùng hoang dã rộng lớn giữa Viễn Đông nước Nga và đông bắc Trung Quốc.
Khởi nguồn hợp tác
Hợp tác về mèo lớn giữa hai quốc gia bắt đầu từ hai thập kỷ trước. Năm 1998, Cục Lâm nghiệp tỉnh Cát Lâm mời các nhà sinh vật học Nga tiến hành một cuộc khảo sát xem còn bao nhiêu cá thể hổ hoang dã. Các nhà khoa học đã đi bộ xuyên biên giới để vun đắp cho mối quan hệ đối tác quan trọng.
TS. Dale Miquelle, Chuyên gia về hổ người Mỹ và là giám đốc chương trình Nga Hội của WCS, người đặt nền móng cho khảo sát ban đầu, nhớ lại: “Chúng tôi tìm thấy một số dấu vết. Dường như tất cả đều là cá thể đực, có nghĩa là không có cá thể cái sinh sản trong khu vực. Rất có thể đây là những cá thể từ Nga đi sang”.
TS. Miquelle nhận ra rằng những cái bẫy họ tìm được đã giết hết mồi săn của hổ nên không đủ thức ăn nuôi dưỡng toàn bộ quần thể mặc dù bản thân khu rừng vẫn khỏe mạnh. Nếu phía Trung Quốc giảm thiểu được ảnh hưởng của con người trong khu vực và tăng quần thể con mồi, hổ sẽ từ Nga sang để sống ở Trung Quốc.
“Vùng đất mèo lớn’” phát triển bằng cách nào?
Năm 2001, tỉnh Cát Lâm đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Hồn Xuân chạy dọc biên giới với Nga tới rẻo đất nhỏ ở phía nam lãnh thổ Trung Quốc. Số lượng hổ tăng dần, đạt mức 15% từ năm 2005 đến 2015.
Mười năm sau ngày thành lập, Tiến sĩ Cát Kiến Bình (sau này trở thành Phó Chủ tịch Đại học Sư phạm Bắc Kinh) và một nhóm các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi những cá thể hổ một cách nghiêm túc, thiết lập máy ảnh và tìm kiếm từng mẫu sọc độc nhất vô nhị trong các bức ảnh thu được.
Sử dụng dữ liệu này và quyền tiếp cận hoạch định chính sách của Trung Quốc mà các nhà nghiên cứu như Miquelle không có được, Tiến sĩ Cát Kiến Bình đưa ra đề xuất thành lập Vườn quốc gia để thay thế cho khu bảo tồn hiện hữu. Vườn quốc gia mới rộng 14.600 km2, trải dài hơn Vườn quốc gia Yellowstone tới 60%, được thành lập năm 2017 để thí điểm đưa vào hệ thống vườn quốc gia mới vào năm 2020.
Hỗ trợ cho bảo tồn mèo lớn cũng phát triển ở phía Nga. Theo nhà nghiên cứu Yury Darman, nhờ hỗ trợ từ cựu Chánh văn phòng Tổng thống Serge Ivanov, Nga đã thành lập hệ thống các khu bảo tồn bao phủ phần lớn sinh cảnh của báo. Năm 2012, các khu bảo tồn được sáp nhập thành Vườn quốc gia “vùng đất của báo” mà Darman là phó giám đốc. Vườn quốc gia này giáp ranh với Cát Lâm và trải dài gần tới Vịnh Amur ở phía đông. Từ năm 2000 đến 2018, quần thể báo tăng gấp ba lần.
Tuy nhiên, ngay cả với giám sát thực địa của TS. Cát Kiến Bình và các vườn quốc gia được thiết lập ở cả hai bên biên giới, các nhà sinh học vẫn khó có được một bức tranh chính xác về quần thể, hành vi, nhu cầu của báo và hổ. Càng khó hơn khi các cá thể thường xuyên qua lại hai bên biên giới. Theo Giám đốc Amur-Heilongjiang Ecoregion thuộc WWF Lưu Bồi Kỳ: “Hổ không cần tới hộ chiếu”.
Năm 2018, sau nhiều năm xây dựng lòng tin và thỏa thuận cấp chính phủ, các nhà nghiên cứu Nga và Trung Quốc lần đầu tiên chia sẻ dữ liệu giám sát dẫn đến một cuộc khảo sát chưa từng có về quần thể báo xuyên biên giới, và cũng lần đầu tiên đưa ra được số lượng quần thể toàn cầu đáng tin cậy.
Việc củng cố quan hệ đối tác giữa hai nước một phần là do mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nhà lãnh đạo. Tại một cuộc gặp ở Moscow vào tháng 6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã ký một tuyên bố có tham chiếu đến việc thành lập Vườn quốc gia xuyên biên giới để bảo vệ báo Amur và hổ Siberia, giám sát chung và thiết lập hành lang tự nhiên ở biên giới.
Vườn quốc gia “Vùng đất mèo lớn” sẽ kết hợp Vườn quốc gia bảo vệ hổ và báo ở Đông Bắc Trung Quốc với Vườn quốc gia vùng đất của báo và Khu bảo tồn thiên nhiên Kedrovaya Pad của Nga. Tổng thống Putin yêu cầu phía Nga chuẩn bị các thủ tục giấy tờ, và Darman hy vọng Trung Quốc sẽ sớm công bố các động thái tương tự, có thể là tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc tổ chức tại Côn Minh vào năm 2020.
Hợp tác giải quyết xung đột hổ – người
Mặc dù hợp tác với Nga, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong nỗ lực bảo tồn. Theo Giám đốc WCS Trung Quốc Vương Ái Dân, các quyết định quản lý quan trọng bị chậm thực thi do sự mập mờ về vai trò nhân sự trong vườn quốc gia, kết quả của một số khu bảo tồn nhỏ hơn được dồn làm một. Và mối quan tâm đặc biệt là sự tương tác giữa hổ và người.
Phần lớn diện tích phía Nga của Vườn quốc gia xuyên biên giới không có người cư trú, khoảng 100.000 người sống quanh phần ở lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều người chăn nuôi gia súc và thường để vật nuôi tự kiếm ăn khiến chúng dễ thành mồi cho hổ báo và làm xáo trộn các mô thức săn bắn tự nhiên của mèo lớn. Dựa trên kinh nghiệm bảo tồn của Nga, WCS đề xuất quy hoạch những khu vực chăn thả nghiêm ngặt cho các ngôi làng còn lại để bảo vệ cả gia súc và hổ, đồng thời duy trì các khu vực không có con người thành cái nôi cho quần thể hổ. Vườn quốc gia đang tính đến việc di dời một số ngôi làng.
Tuy nhiên, nhiều nông dân đang được yêu cầu giữ gia súc trong vùng chăn thả trong khi kế hoạch phân vùng đất lẽ ra được công bố từ vài tháng trước hiện vẫn tiếp tục mờ mịt. Điều này dồn gánh nặng tài chính lên người chăn nuôi. Vẫn chưa biết giải pháp sẽ là gì và khi nào sẽ được thực hiện.
Đã có những cuộc thảo luận về việc cấm hoàn toàn chăn thả gia súc trong Vườn quốc gia nhưng ông Vương Ái Dân cảnh báo rằng: “Rất nhiều người dân địa phương dựa vào chăn nuôi để sống”.
Ông hy vọng các nhà quản lý Vườn quốc gia của Trung Quốc sẽ nhờ phía Nga tư vấn về cách quản lý xung đột hổ – người. Ở phía bên kia biên giới, Miquelle nhận thấy cơ hội tiếp tục để Nga học hỏi từ các lĩnh vực thế mạnh của Trung Quốc như quản lý hỏa hoạn và giám sát hổ theo thời gian thực.
“Tôi cho rằng việc trao đổi thông tin này sẽ tiếp tục. Đồng quản lý chung sẽ phát triển, cơ hội cho hổ, báo và hệ sinh thái nói chung sẽ sáng sủa hơn. Chúng ta sẽ thấy quá trình đó thực sự tăng tốc trong vài năm tới”.
Nhật Anh (Theo chinadialogue)