Đoạn video quay bằng máy bay không người lái được thực hiện ở độ cao khoảng 30 m trên vịnh Maya ở miền nam Thái Lan bắt được cảnh một thợ lặn đơn độc ở vùng nước nông trong khi những chiếc bóng cá mập vây đen tối sẫm đang bơi xung quanh.
“Hôm qua tôi đã nhìn thấy ít nhất 100 cá thể cá mập”, chuyên gia bảo tồn san hô người Malaysia Anuar Abdullah, thợ lặn trong video, đồng thời là người sáng lập và CEO của doanh nghiệp xã hội Ocean Quest Global hồ hởi nói.
Anh chỉ ra những vùng hình chữ nhật trông như những thanh sô cô la Toblerone lớn của một vài trong số 120 vườn ươm san hô do nhóm của anh thiết lập trong vịnh. Mỗi vườn có kích thước 5 m x 2 m và cá mập vây đen, dài tới 1,5 mét đang “tuần tra” trên những con đường giữa các khối san hô như taxi chở khách.
Vịnh Maya nằm trên một trong những hòn đảo thuộc quẩn đảo Phi Phi ở biển Andaman, có lẽ là bãi biển nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á. Năm 2000, siêu sao Hollywood Leonardo Di Caprio đã quay bộ phim The Beach ở đây. Sự kiện này cùng với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của bãi biển khiến suốt 18 năm nay vịnh thu hút hơn 300 chiếc thuyền chở tới 5.000 khách du lịch tới đây mỗi ngày.
Những vách đá vôi cao chót vót và dải cát hẹp trắng mịn khiến Maya trở thành một ví dụ điển hình về thiệt hại sinh thái do du lịch quá tải. Mỏ neo của du thuyền phá hủy các rạn san hô, tiếng ồn động cơ khiến chim sợ hãi, nhiên liệu đầu độc cá và trầm tích bị chân vịt khuấy động khiến san hô nghẹt thở. Khách du lịch giẫm nát thảm thực vật, vứt rác ra bãi biển và đi tiểu trên biển.
Thiệt hại sinh thái tệ đến mức vào tháng 6/2018, chính quyền Thái Lan đã thực hiện bước đi chưa từng có là đóng cửa vịnh Maya với khách du lịch.
“Chúng tôi thừa hưởng một hệ sinh thái chết 100%”, Abdullah nói.
Tuy nhiên, tác động của việc đóng cửa và công tác bảo tồn kể từ khi được thực hiện tại Maya đã tạo ra kết quả tích cực đến mức được mô tả là phép màu bảo tồn của Thái Lan. Năm 2019, Cục Vườn vuốc gia và Bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan gia hạn thời gian đóng cửa vịnh thêm hai năm, còn các nhà bảo tồn thì tự hào về thành quả.
“Khi bạn đưa yếu tố con người ra ngoài, thiên nhiên phát triển mạnh”, Abdullah chia sẻ. Theo anh, quá trình phục hồi tự nhiên đã được đẩy nhanh bằng cách phục hồi các rạn san hô cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho rất nhiều sinh vật biển.
“Chim biển đã trở lại, và thậm chí cả khỉ. Trước đó, khỉ bị bắn để bảo vệ khách du lịch”.
Theo Abdullah, quần thể cá tăng 200%, còn các loài chim biển như cò, diệc và cá bói cá đã quay trở lại.
Dự án phục hồi cũng liên kết với cộng đồng lặn địa phương theo hướng những thợ lặn chuyên nghiệp từ tất cả các trung tâm ở thị trấn Phi Phi đã tham gia nỗ lực bảo tồn. Abdullah là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của việc đóng cửa vịnh và giám sát dự án nhân giống san hô lớn nhất châu Á với hơn 22.000 nhánh san hô thuộc 9 loài được nhân giống trong vịnh. Đây là khu lớn nhất trong số 74 vườn ươm và khu trồng san hô mà Ocean Quest Global đang quản lý trên khắp châu Á.
Không quan tâm tới cái tôi cá nhân, tránh xa những nhà tài trợ phù phiếm luôn muốn khoa trương với công chúng, nhưng đối với hàng ngàn thợ lặn và nhà bảo tồn biển thì Abdullah là một người hùng thầm lặng. Sinh ra ở Malaysia và được đào tạo về hải dương học, Abdullah học được kỹ thuật nhân giống san hô của mình thông qua phương thức “thử và sai” trong nhiều năm. Trong hàng trăm khu nghỉ dưỡng lặn biển và cộng đồng ven biển ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam, anh được biết đến với cái tên “Anuar – người trồng san hô”.
“Đây là khoa học nguyên bản để đạt được kết quả thực sự chứ không phải khoa học hàn lâm nơi mọi người viết nghiên cứu và thể hiện ước mơ”.
Anuar trở lại vịnh Maya để theo dõi tiến trình của các tình nguyện viên trong một vườn ươm san hô trong resort Phi Phi Don gần đó. Mọi người lặn lội đường xa tìm đến Anuar học cách trở thành người trồng san hô. Một trong những tình nguyện viên của khóa học này vốn là kỹ sư diesel ở Montreal, Canada, đã nghỉ việc 6 tháng.
“Một người bạn đã nói với tôi về công việc Anuar đang làm và tôi không có ý định về nhà cho đến khi đạt được điều gì đó tích cực”, Jungle Tshongo vừa nói vừa cặm cụi đặt một mảnh san hô vào giá thể.
Các thợ lặn và những người đam mê như Tshongo dành thời gian hỗ trợ các nhân viên thuộc văn phòng vườn quốc gia khôi phục những rạn san hô và cũng làm việc cho các dự án khác ở châu Á.
Vịnh Maya thu hút sự chú ý của truyền thông hơn cả khi đóng cửa vào ngày 1/6/2018 nhưng nhiều địa điểm khác trong các công viên biển quốc gia của Thái Lan cũng đóng cửa cùng lúc, kể cả toàn bộ hòn đảo.
Đây là một vấn đề nhạy cảm. Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính ngành công nghiệp này trị giá 2,52 nghìn tỷ baht (71,4 tỷ USD) trong năm 2016. Không có gì đáng ngạc nhiên khi có những nhóm lợi ích đầy quyền lực trong ngành du lịch – mà Anuar gọi đùa là mafia du lịch – chống lại việc đóng cửa và rất mong muốn vịnh Maya mở cửa lại càng sớm càng tốt.
“Đây có thể là một mớ bòng bong rất nguy hiểm với những người này”, Abdullah đã vận động trong nhiều năm cho việc đóng cửa.
May mắn thay, dự án có một người ủng hộ nổi tiếng và giàu sức ảnh hưởng là Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat – nhà sinh học hải dương thuộc Đại học Kasetsart và là thành viên của Ủy ban quản lý các vườn quốc gia Thái Lan. Tiến sĩ Thon không chỉ là nhà bảo tồn biển hàng đầu mà còn là người của công chúng với mối liên hệ gia đình hữu ích trong giới tinh hoa của Thái Lan.
“Tiến sĩ Thon hỗ trợ rất nhiều cho dự án, luôn sẵn sàng nói “thế là đủ rồi, chúng ta cần phải ngăn chặn chuyện vô bổ này”, Anuar kể lại.
Do vấn đề nhạy cảm, chính quyền tỏ ra thận trọng trong việc công khai thành quả dự án và thậm chí rất miễn cưỡng tiết lộ khi nào vịnh có thể mở cửa trở lại cho khách du lịch.
“Giá trị của vịnh Maya sẽ cao hơn và sẽ còn nổi tiếng hơn nữa”, Abdullah nói chắc nịch.
Đã có kế hoạch cho vịnh Maya khi mở cửa trở lại. Một bến tàu sẽ được xây dựng ở phía đối diện vịnh để khách du lịch đi bộ vào. Tàu cao tốc thì vẫn bị cấm. Du khách sẽ được phân bổ vé điện tử nhưng số lượng khách bị giới hạn nghiêm ngặt.
Các công ty du lịch ở Phi Phi và Phuket vẫn quảng cáo các tour du lịch bằng tàu đến vịnh Maya và vẫn có thể đến thăm nhưng rất khác so với 18 tháng trước khi thường không thể nhìn thấy bãi biển vì khách du lịch đứng chen chúc.
Không phải ai cũng vui mừng với câu chuyện thành công sinh thái. Một người lái tàu vào vịnh tự nhận biệt danh là Sun (Mặt trời) nói rằng mặc dù việc đóng cửa có thể tốt cho “thiên đường tự nhiên” nhưng nó không tiện cho khách du lịch.
Sun nói rằng mình chưa bao giờ được tham vấn về việc đóng cửa và đề nghị chính phủ nên cho tàu thuyền neo đậu vào chỗ được chỉ định và chỉ nên cấm dùng mỏ neo – thứ phá hủy các mỏm san hô. Có vẻ như cần nhiều nỗ lực hơn để cộng đồng tham gia vào dự án, nhất là những người dân địa phương kiếm sống nhờ du lịch.
“Trong bảo tồn, không thể nào không va chạm với mọi người. Dù muốn hay không, người dân vẫn là yếu tố then chốt”, Abdullah nói.
“Vịnh Maya là dự án nhân giống san hô lớn nhất chúng tôi thực hiện nhưng cho đến nay chúng tôi chỉ có thể thấy một phần của thành tựu. Chúng tôi chỉ mới thực hiện được trong 18 tháng nhưng cá đuối, cá mập và cầu gai đã trở lại, san hô vẫn khỏe mạnh. Vịnh Maya đang hồi sinh”.
Nhật Anh (Theo SCMP)