Khó có thể lạc quan nếu chỉ nhìn vào bức tranh động vật hoang dã toàn cầu với các thông tin như hươu cao cổ Masai chính thức được xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng hay thảm họa cháy rừng Amazon tàn phá loài báo đốm cùng nhu cầu về các sản phẩm từ rùa, xương sư tử và linh dương Tây Tạng quý hiếm vẫn tiếp tục gia tăng; nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê, ngà voi vẫn diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nỗ lực của các nhà bảo tồn và những người ủng hộ động vật cũng ít nhiều đã được ghi nhận bằng một số thành công nhất định. Dưới đây là 7 tin vui theo bình chọn của National Geographic.
1. Tại Hội nghị toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã, nhiều loài được bảo vệ hơn
9 loài động vật bị cấm buôn bán quốc tế và hơn 130 loài lần đầu tiên được bảo vệ tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã lần thứ 18 (CITES CoP18) – sự kiện diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ. Hươu cao cổ và cá mập mako theo thứ tự được IUCN phân loại vào nhóm sắp nguy cấp và nguy cấp, qua đó cả hai loài được bảo vệ ở mức cao hơn, không được phép giao dịch trừ khi chứng minh được hoạt động đó không đe dọa sự tồn tại của quần thể trong tự nhiên. Việc đưa ra những tín hiệu cần bảo vệ động vật khỏi các hoạt động thương mại gây tổn hại tới loài sẽ khuyến khích các chính phủ hành động nhiều hơn để bảo vệ chúng.
2. Cá heo vaquita con được phát hiện ở ngoài khơi Mexico
Trong khi vaquita – loài cá heo nhỏ nhất trên thế giới – ngấp nghé bờ vực tuyệt chủng khi chỉ còn khoảng 10 cá thể thì tháng 11/2019, các nhà khoa học phát hiện thấy cá cái và cá con ở vịnh California. Cá heo caquita là thiệt hại đi kèm của của thị trường y học cổ truyền béo bở. Ngư dân thả lưới xuống đáy đại dương để bắt cá totoaba nhằm lấy bong bóng bán lậu sang Trung Quốc phục vụ việc điều trị các bệnh như viêm khớp nhưng cá heo vaquita thường bị mắc kẹt trong lưới. “Còn các cá thể vaquita là còn hy vọng. Chúng ta cần cố gắng hết sức để đảm bảo rằng chúng có cơ hội phục hồi, bất kể cơ hội đó có nhỏ đến đâu”, Eva Eva Hidalgo, Điều phối viên khoa học thuộc nhóm bảo tồn biển Sea Shepherd, nói.
3. Bảo hiểm Trung Quốc không chi trả cho thuốc có chứa vảy tê tê
Tháng 8/2019, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các quỹ bảo hiểm nước này sẽ không chi trả cho các đơn thuốc y học cổ truyền có chứa vảy tê tê, được sử dụng để điều trị các bệnh từ tắc sữa cho đến tuần hoàn kém. Cả 8 loài động vật có vú ăn kiến này đều bị đe dọa tuyệt chủng. Ngoài ra, Bảo hiểm y tế quốc gia cùng Cục nhân lực và an sinh xã hội cũng gạt đồi mồi, cá ngựa, san hô và sừng linh dương saiga khỏi danh sách các loại thuốc đủ điều kiện được bảo hiểm chính phủ chi trả. Daisy He, Luật sư thuộc Công ty quốc tế CMS có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng “chính phủ và người dân Trung Quốc đã nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ những động vật này”.
4. Voi châu Phi chỉ được đưa đến các vườn thú ở xa trong những trường hợp đặc biệt
Nhờ có nghị quyết CITES mới, voi từ Botswana, Zimbabwe, Namibia và Nam Phi chỉ có thể được xuất khẩu sang các quốc gia châu Phi khác có voi sinh sống trừ phi chứng tỏ được việc chuyển voi đi nơi khác sẽ mang lại lợi ích bảo tồn loài. Điều này ngăn chặn hành vi gây tranh cãi là bán voi hoang dã cho các vườn thú trên khắp thế giới. “Đây là một chiến thắng to lớn đối với phúc lợi động vật khi việc bắt voi con khỏi gia đình để nuôi nhốt trong các vườn thú đã bị cấm”, theo CEO của tổ chức phi lợi nhuận Save the Elephants Frank Frank Pope.
5. Quốc tế chung tay tấn công tội phạm động vật hoang dã
Các cơ quan thực thi toàn cầu bao gồm Interpol, Europol và Tổ chức Hải quan Thế giới đã tiến hành chiến dịch Thunderball nhắm vào tội phạm động vật hoang dã có phạm vi rộng nhất từ trước đến nay và Chiến dịch Blizzard nhắm vào nạn buôn bán bò sát lớn nhất cho đến nay. Thunderball liên quan đến 109 quốc gia và gần 2.000 vụ bắt giữ các loài động vật hoang dã được bảo vệ. Giám đốc chương trình môi trường của Tổ chức Hải quan Thế giới Roux Raath cho biết chiến dịch này nhằm làm phát lộ các điểm nóng tội phạm và ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã, mục tiêu cao nhất là “dẹp bỏ các mạng lưới tội phạm”. Chiến dịch Blizzard có kết quả là 12 vụ bắt giữ những kẻ buôn lậu quy mô nhỏ và hơn 4.000 vụ bắt giữ bò sát sống. Sergio Tirro, Quản lý dự án về tội phạm môi trường thuộc Europol, hy vọng việc thực thi pháp luật sẽ có được thông tin từ hàng chục nghi phạm để tiến hành các vụ kiện chống lại những kẻ buôn lậu đầu sỏ: “Trọng tâm của chúng tôi nhắm vào các nhóm tội phạm có tổ chức đứng sau việc buôn bán bất hợp pháp”.
6. Chính phủ Nga thả cá voi
Năm 2018, bốn công ty Nga chuyên cung cấp động vật có vú cho viện hải dương học đã bắt bất hợp pháp gần 100 cá thể cá voi beluga và cá voi sát thủ rồi nuôi nhốt ở vịnh Srednyaya, thuộc vùng Viễn Đông. Đàn cá voi bị nhốt hầu hết bị tổn thương da và chịu đau đớn. Trong suốt năm 2019, đàn cá dần dần được thả và trong tháng 11/2019, cơ quan chức năng đã chuyển 50 cá thể beluga còn lại đến vịnh Uspeniya cách nơi nuôi nhốt khoảng 60 dặm. Mặc dù không phải là sinh cảnh quen thuộc của cá voi, vịnh Uspeniya được coi là lựa chọn tốt nhất trong điều kiện kinh phí hạn chế.
7. Tiến bộ công nghệ hỗ trợ theo dõi động vật và ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp
Các nhà công nghệ thuộc Công ty trí tuệ nhân tạo Synthetaic và National Geographic đã phát triển một hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo và camera gắn trên máy bay để xác định và đếm động vật theo thời gian sát thực tế từ khoảng cách rất xa. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công cả ở Vườn quốc gia Garamba (Cộng hòa Dân chủ Congo) và Khu bảo tồn Động vật hoang dã Lewa (Kenya). Và lần đầu tiên, các nhà khoa học đã áp dụng thực tế thiết bị giải trình tự gen cầm tay có tên MinION để xác định vây cá mập bán tại chợ cá ở phía tây bắc Mumbai. Thiết bị này cũng có thể được sử dụng để xác định ngà voi, vảy tê tê và các sản phẩm động vật hoang dã buôn bán bất hợp pháp khác. “Nếu các quan chức động vật hoang dã tại địa phương sử dụng MinION thì đây có thể là yếu tố làm thay đổi tình hình”, nghiên cứu sinh học sau tiến sĩ Shaili Johri thuộc Đại học bang San Diego cho biết.
Nhật Anh (Theo National Geographic)