Thời gian không còn nhiều cho Đông Nam Á

Ngày 23/11/2019, cá thể tê giác Sumatra cuối cùng (Dicerorhinus sumatrensis) ở Malaysia đã chết. Cá thể mang tên Iman này sống trong cảnh nuôi nhốt ở bang Sabah trên đảo Borneo chỉ hơn 5 năm. Iman không chỉ là cá thể tê giác cuối cùng ở Malaysia mà là một trong những phân loài cuối cùng của loài tê giác Sumatra (D. s. Harrissoni).

Nhưng cái chết của Iman không chỉ là một bi kịch và làm mất cơ hội cho một loài mà nó còn là tín hiệu cảnh báo cho một điều tệ hại lớn lao hơn: trung tâm của cuộc khủng hoảng tuyệt chủng hàng loạt nằm ở Đông Nam Á.

Một cá thể saola cái bị nuôi nhốt trong 3 tuần trước khi chết. Giới khoa học tin rằng loài này chỉ còn rất ít cá thể và cần thiết tiến hành một chương trình nuôi nhốt để nhân giống. (Ảnh: William Robichaud).

Khu vực này đang gặp tình trạng suy giảm động vật hoang dã không đâu sánh bằng. Gần đây, các nhà khoa học cho biết hổ đã tuyệt chủng ở Lào sau khi đã biến mất khỏi Việt Nam và Campuchia. Các quần thể hổ Đông Dương và Mã Lai (Panthera tigris tigris) và phân loài Sumatra (P. t. Sondaica) đều ở ngưỡng mong manh cuối cùng. Điều tương tự cũng diễn ra với báo hoa mai Đông Dương (Panthera pardus delacouri). Bức ảnh cuối cùng của một cá thể sao la (Pseudoryx nghetinhensis) hay còn gọi là kỳ lân châu Á cũng được chụp từ hơn 6 năm trước. Hiện có một dự án hy vọng sẽ tìm thấy và nhân giống chúng trong điều kiện nuôi nhốt nhưng việc các nhà bảo tồn có tìm thấy bất kỳ cá thể nào còn sống ở bất cứ đâu vẫn là một câu hỏi mở và liệu họ có tìm thấy đủ để hình thành một quần thể nuôi nhốt hay không còn là một câu hỏi lớn hơn (dù về chính thức người ta tin rằng còn một vài trăm cá thể loài này tồn tại).

Danh sách loài nguy cấp vẫn tiếp tục nối dài: tất cả bốn loài động vật lớn của Sumatra gồm voi, hổ, đười ươi và tê giác đều đang cực kỳ nguy cấp. Loài đười ươi Tapanuli (Pongo tapanuliensis), chỉ được phát hiện vào năm 2017 hiện đang bị đe dọa bởi dự án đập Batang Toru tại sinh cảnh duy nhất của loài này. Ngoài ra, trong số 16 loài vượn được IUCN đánh giá, 15 loài được liệt kê là có nguy cấp hoặc đang cực kỳ nguy cấp. Lạc quan nhất cũng chỉ còn chưa đầy 200 cá thể cá sấu Philippines (Crocodylus mindorensis) trong khi rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) chỉ còn ba cá thể được biết đến, và đều sống ở các địa điểm riêng biệt.

Hổ, voi, tê giác, đười ươi, báo, heo vòi, bò banteng, sói lửa – tất cả các loài này trong khu vực đều được phân loại là có nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp. Trong 100 năm qua, chúng ta đã mất hổ Bali và Java, và các phân loài đại lục của tê giác Sumatra (D. s. Lasiotis) cũng như tê giác Java ở Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus). Bò xám (Bos sauveli) đã không được nhìn thấy kể từ năm 1988 và có lẽ đã tuyệt chủng. Các loài động vật khổng lồ Đông Nam Á đang trong tình trạng suy giảm chưa từng thấy kể từ thời kỳ Canh Tân (khoảng 15.000 năm trước).

Nhưng có lẽ đáng lo ngại hơn là không chỉ những động vật lớn mà mọi động vật trong khu vực đều ngày càng bị đe dọa. Vô số loài rùa bị bắt để ăn thịt và làm thuốc đến mức bị xóa sổ. Chim bị săn lùng đến cạn kiệt để làm đặc sản hoặc thú cưng bất hợp pháp, ngay cả khi chúng không còn sinh cảnh là rừng và đất ngập nước. Trong khi đó, nhiều loài động vật nhỏ, từ con lười đến tê tê, đang bị đe dọa bởi buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Nếu bạn nhìn vào dữ liệu từ Sách đỏ IUCN, Đông Nam Á cũng nổi bật về số lượng các loài nguy cấp được xác định. Ba quốc gia có nhiều loài bị đe dọa ở mức độ toàn cầu nhất là Madagascar, Ecuador và Hoa Kỳ. Không có gì đáng ngạc nhiên vì Madagascar có mức độ đa dạng sinh học phong phú và đặc hữu bậc nhất, Ecuador có lẽ là khu vực đa dạng sinh học nhất trên trái đất còn Hoa Kỳ là một trong những nước lớn được nghiên cứu tốt nhất. Nhưng đứng thứ tư và thứ năm trong danh sách đó lần lượt là Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Thái Lan và Philippines, mỗi quốc gia có hơn 600 loài bị đe dọa được xác định nên cũng có mức cảnh báo rất cao. Lào và Myanmar có ít loài bị đe dọa hơn hẳn nhưng phần lớn là do các loài ở những nước ít được nghiên cứu.

Chúng ta đừng quên rằng Đông Nam Á là khu vực xuất xứ của thuật ngữ “rừng rỗng”, biểu thị một cảnh quan cạn kiệt động vật tức là trong khi cây cối vẫn phát triển thì loài có thể di chuyển lớn nhất chỉ là chuột hoặc bọ ngựa. Có rất ít hoặc không có tiếng chim hót, không có cả bóng khỉ băng qua tán cây, một vài động vật có vú dưới gốc. Rừng kiểu này giống với công viên hơn là một vùng hoang dã và những loài thực vật sống phụ thuộc vào động vật sẽ sớm biến mất.

Những lý do Đông Nam Á đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng rất đa dạng, phức tạp và trong một số trường hợp là duy nhất với mỗi quốc gia nhưng có nhiều vấn đề đang nổi lên. Thứ nhất là nạn phá rừng. Không nơi nào trên thế giới con người phá hủy rừng nhanh đến thế để cung cấp các mặt hàng như dầu cọ, gỗ, cao su, giấy, gỗ nhiệt đới cho một hệ thống kinh tế toàn cầu có nền tảng là lãng phí và chủ nghĩa tiêu dùng.

Phá rừng ở Borneo, Indonesia. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Vấn đề tiếp nữa là nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp để làm thuốc Bắc, thịt rừng, thú cưng và đồ trang sức. Việc săn bắt ngày càng chuyển từ sử dụng súng đạn sang đặt bẫy, gây ra những thảm họa cho các vườn quốc gia và những vùng đất hoang còn nguyên vẹn trong khu vực.

Cuối cùng, dân số Đông Nam Á ở mức khoảng 655 triệu người – tương đương hơn 8% dân số thế giới – thuộc 11 quốc gia với tổng diện tích khoảng 4,5 triệu km2. Khu vực này có diện tích bằng một nửa Hoa Kỳ nhưng dân số gấp đôi. Tuy nhiên, dân số Đông Nam Á sẽ đạt đỉnh trong một hoặc hai thế hệ tới; cả Malaysia và Việt Nam hiện có tỷ lệ sinh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ tử. Lào có tỷ lệ cao nhất trong khu vực (2,7 trẻ/phụ nữ), Singapore thấp nhất (1,16). Nếu tình hình dân số khu vực tiếp diễn với đà này thì sẽ là một tia sáng mỏng manh cuối đường hầm cho việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động vật hoang dã trong khu vực.

Nhưng không còn đủ thời gian cho nhiều loài. Không loài nào có thể đứng vững vô hạn trước sự tàn phá không ngừng. Số nạn nhân tăng lên hàng năm, nhiều loài còn chưa được xác định.

Tàn phá rừng và động vật hoang dã quy mô lớn cũng không mang lại gì nhiều cho phúc lợi chung. Hầu hết tiền thu được từ động vật hoang dã bị tàn sát không dành cho người dân địa phương thực hiện việc săn bắn mà đến thị trường chợ đen và mafia khu vực có liên quan đến buôn người và ma túy.

Trong thời đại thảm họa khí hậu đang tràn tới nhanh chóng, chắc chắn không nền kinh tế nào có thể sống sót khi đốt cháy than bùn và phá hủy một vài khu rừng nhiệt đới còn lại? Chúng ta không còn có thể phát triển chỉ vì danh nghĩa phát triển. Phát triển thông minh và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phải hướng tới tương lai, không chỉ ở Đông Nam Á mà khắp mọi nơi.

Khu vực có thể làm được gì? Rất nhiều. Chính phủ các nước trong khu vực nên nhìn nhận nghiêm túc về cuộc khủng hoảng tuyệt chủng (và khí hậu) này, dành nhiều nguồn lực hơn cho việc thực thi pháp luật và bảo vệ rừng, đồng thời tiếp tục thúc đẩy thay đổi quan điểm của công chúng về việc tận diệt động vật hoang dã để làm thuốc.

Các vườn quốc gia và vùng hoang dã của khu vực cần được quản lý tốt hơn và được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nhà bảo tồn Niall McCann cho rằng đã đến lúc một khu vực tương đương với một thứ gì đó như Công viên châu Phi cần được thành lập ở Đông Nam Á.

Các nhóm bảo tồn trong khu vực, đặc biệt là các tổ chức nhỏ ở thực địa rất cần có thêm tài trợ và nguồn lực. Những ý tưởng đầy tham vọng và những cam kết táo bạo từ cộng đồng quốc tế đang cần thiết hơn bao giờ hết. Và chúng ta cũng phải cân nhắc nhanh hơn với các lựa chọn đặc biệt, chẳng hạn không nên chờ đợi hàng thập kỷ để thực hiện chiến dịch nuôi nhốt sinh sản mà nên bắt đầu xây dựng nhanh nhất có thể quần thể bảo hiểm cho nhiều loài gần như tuyệt chủng nhất. Hãy lấy tê giác Sumatra và sao la làm ví dụ, với cả hai loài, các nhà bảo tồn đã trì hoãn lâu hơn nhiều mức cần thiết.

Cái chết của Iman đóng một cánh cửa khác để bảo tồn tê giác Sumatra và khiến loài có số lượng vỏn vẹn chỉ khoảng 80 cá thể này mất đi thêm một cá thể cái.

Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, một ngày nào đó người Indonesia, người Việt Nam, người Philippines và người Malaysia sẽ thức dậy và thấy không còn gì nhiều trong rừng – toàn bộ khu vực sẽ thực sự trống rỗng. Sẽ không chỉ là những khu rừng trống rỗng mà là những cảnh quan trống trải từ đồng bằng sông Cửu Long đến Sumatra, từ dãy núi Cardamom (núi Kravanh hay núi Bạch đậu khấu) đến núi Cordillera Central.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: