Con người hạnh phúc trong một quốc gia đặt tầm nhìn hạnh phúc lên trên các con số tăng trưởng kinh tế…
Ở Bhutan, không có ai phải sống trên đường. Nếu một người không có nhà, họ có thể đến gặp nhà vua. Sau đó, vua sẽ ban cho họ một miếng đất để xây nhà và trồng rau. Mỗi người dân Bhutan đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí.
Ở Bhutan, luật pháp cấm nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm hóa học, nên các sản phẩm nông nghiệp ở đây hoàn toàn được trồng tự nhiên. Bhutan là đất Phật linh thiêng nên đền chùa ở khắp mọi nơi. Bhutan không bắt buộc người dân ăn chay nhưng không được sát sinh, toàn bộ thịt cá đều do người nước ngoài sinh sống tại Bhutan giết mổ hoặc được nhập từ Ấn Độ…
Những điều “kỳ lạ” trên được nhiều người kể về Bhutan, được biết đến như quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Kể từ năm 1971, Bhutan đã quyết định loại bỏ chỉ số Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) và thay thế bằng một chỉ số mới là GNH (Tổng Hạnh phúc Quốc dân). Bởi vì không coi trọng giá trị kinh tế, Bhutan xem việc đảm bảo chất lượng đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia… làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đến nay, Bhutan vẫn kiên trì khảo sát chỉ số GNH 5 năm 1 lần.
Gần 50 năm kiên trì theo đuổi GNH, Bhutan đã mang lại cho thế giới một khái niệm mới về “tăng trưởng hạnh phúc” và cũng trở thành một ví dụ điển hình về phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc. Tuy chỉ có hơn 700.000 dân, nằm kẹp giữa 2 quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Vương quốc Bhutan được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và là một trong những quốc gia xanh nhất hành tinh. Bhutan cũng là quốc gia duy nhất có mức khí thải carbon âm với 72% diện tích được che phủ bởi rừng, sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% thực phẩm hữu cơ vào năm 2020.
Số đông tin rằng càng sở hữu nhiều vật chất là con đường ngắn nhất đến hạnh phúc. Vì vậy, con đường Bhutan theo đuổi là một hướng đi không chỉ dũng cảm, mà còn thể hiện một tầm nhìn kiên định về một xã hội văn minh, hiền hòa.
Ngài Tshering Tobgay, sinh năm 1965, giữ chức Thủ tướng Bhutan từ năm 2013-2018. Trong một sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp, Ngài có mặt tại Việt Nam nói về chủ đề Chỉ số hạnh phúc có quan hệ thế nào với GDP, do Tạp chí NCĐT và Câu Lạc bộ Lãnh đạo Top 50 tổ chức. Tại đây, Ngài Tshering Tobgay cho biết, GNH là đích đến chứa nhiều thách thức.
Bài học từ thành công của Bhutan được thế giới nhìn nhận nhưng không nhiều quốc gia có thể ứng dụng mô hình tương tự. Bởi vì hạnh phúc là khái niệm không có thước đo chung cho các dân tộc. Trong bối cảnh đời sống vật chất lên ngôi, ở tầm quốc gia, đích đến này đòi hỏi sự can đảm rất lớn từ những người điều hành.
Theo Ngài Tshering Tobgay, con người, dù có khác nhau về nhu cầu nhưng đều có điểm chung là sẽ hài lòng với cuộc sống khi thỏa mãn được 3 yếu tố: an toàn (safety), bản sắc cá nhân (personality) và mục đích sống (life goals).
Kiên trì theo đuổi GNH chứa đựng cả 3 yếu tố quan trọng này, Bhutan gần như là quốc gia duy nhất vững vàng trước những khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, trái đất nóng lên. Trong 20 năm trở lại đây, tuổi thọ trung bình của người dân Bhutan được tăng gấp đôi, 100% trẻ em được tới trường, người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế và giáo dục hoàn toàn miễn phí. Trong 30 năm, nền kinh tế Bhutan tăng trưởng từ 284 triệu USD lên 2,6 tỉ USD. Một khi không phải lo lắng quá nhiều, được bảo vệ và an toàn thì hạnh phúc là điều đương nhiên.
Cựu Thủ tướng Bhutan khẳng định: “Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng sự phát triển không thể có được từ việc làm tổn hại môi trường tự nhiên của đất nước”. Khi câu chuyện chưa nâng được lên thành chính sách phát triển cho cả một đất nước, theo Ngài Tshering Tobgay, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp là trở thành từng tế bào hạnh phúc. “Đây sẽ là điều kiện cần thiết cho việc xây dựng quốc gia hạnh phúc, vững bền. Ngay từ khi còn đương nhiệm, tôi đã theo đuổi con đường này và sẽ tiếp tục chia sẻ thông điệp ấy để nuôi giấc mơ nhân rộng mô hình quốc gia hạnh phúc mà Bhutan đã thành công”, cựu Thủ tướng gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Việt Nam.