Những ngày cận Tết, hàng trăm hộ dân thị xã An Nhơn (Bình Định) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng miền Trung tất bật đưa mai ra dọc Quốc lộ 1. Các chủ vườn hầu như không ngủ để bán mai Tết.
Thị xã An Nhơn có khoảng 3.000 hộ trồng mai với diện tích trên 145ha. Vì vậy, thị xã An Nhơn được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng của miền Trung. (Ảnh: N.T)
Vào những ngày cuối tháng Chạp, về An Nhơn sẽ thấy không khí xuân ngập tràn, từng chuyến xe nhộn nhịp chở sắc Tết ra Bắc vào Nam. (Ảnh: N.T)
Càng gần đến Tết Canh Tý, thủ phủ mai vàng của miền Trung lại càng tấp nập người mua, kẻ bán cả ngày lẫn đêm. Những chậu mai kiểng đủ hình dáng nối đuôi nhau trên những chuyến xe chở Tết đi khắp mọi miền. (Ảnh: N.T)
Các chậu mai được bày bán trên Quốc lộ 1 có nhiều kích cỡ, cũng như giá cả, từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng mỗi chậu, trong đó nhiều nhất là các loại mai có giá từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/chậu. (Ảnh: N.T)
Theo anh Nguyễn Hồng Khương (38 tuổi, thị xã An Nhơn), hơn 1 tuần nay, anh đã đưa mai ra dọc Quốc lộ đã bán, đến thời điểm hiện tại anh đã bán được hơn 100 chậu với giá trung bình từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/chậu. (Ảnh: N.T)
“Mình bán mai lùm, mai bon sai, … nói chung là nguồn hàng phong phú, để khi khách hàng vô hỏi là mình có để bán. Bán mai ở dọc Quốc lộ này hầu như không ngủ, vì phải bán cả ngày cả đêm. Những bữa khỏe thì thức nguyên đêm, còn hôm nào mệt thì phải nói người nhà ra thay ca” – anh Khương cho hay. (Ảnh: N.T)
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (người đội mũ, 37 tuổi, thị xã An Nhơn) cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, vườn nhà chị đã bán được khoảng 400 cây mai, chủ yếu bán sỉ về các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Hải Phòng,… (Ảnh: N.T)
Cũng theo chị Thúy, thời tiết nhiều năm trở lại đây khó lường, nên nhiều vườn canh mai nở trúng tết, nhưng cũng có nhiều vườn “nóng mặt” do mai nở sớm. (Ảnh: N.T)
Bán mai ngoài Quốc lộ hầu như người bán không ngủ, vì xe khách, xe container, xe hàng… có thể đến mua bất kỳ lúc nào, cứ có người mua thì phải thức để bán. (Ảnh: N.T)
“Mình dựng các lều tạm để ngủ tạm qua đêm, như mình là phụ nữ thì canh ban ngày, còn buổi tối thì về lo cho con; còn đàn ông thì ở lại thay phiên nhau canh ban đêm” – chị Thúy nói thêm. (Ảnh: N.T)
Với những người bán mai ven Quốc lộ 1 thì việc phải chịu lạnh, muỗi đốt… là quá bình thường. Tuy nhiên, mỗi năm được 1 dịp kiếm tiền nên họ đều vui vẻ chấp nhận. (Ảnh: N.T)
Anh Đỗ Hải Sơn – một hành khách đang trên chuyến xe từ Vũng Tàu ra Thái Bình chia sẻ: “ Hầu như năm nào xe qua đây tôi cũng đều mua 1 cây mai để về chưng Tết để có hương vị miền Nam”. (Ảnh: N.T)