Voi là biểu tượng văn hóa ở Lào vì đất nước này từng nổi tiếng với hình ảnh hàng đàn voi rảo bước lang thang trên khắp các miền. Voi nhiều đến mức trước khi được gọi là Lào như bây giờ, người ta thường gọi nước này là Lan Xang hay Triệu voi.
Tuy nhiên, năm 2019, cả chính phủ Lào và các nhóm bảo tồn đều tin rằng quần thể voi châu Á đông đúc mà đất nước này từng tự hào hiện đã giảm xuống còn khoảng 800 cá thể bao gồm 400 cá thể hoang dã và 400 cá thể nuôi nhốt, thậm chí, ngay cả những quần thể bị thu hẹp này cũng liên tục bị đe dọa.
“Cả hai quần thể đều không bền vững và đang thực sự suy giảm. Mỗi quần thể phải đối mặt với những vấn đề hoàn toàn khác nhau”, nhà sinh vật học hoang dã Anabel López Pérez thuộc Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết.
Voi nuôi nhốt thường bị cho ăn thức ăn không lành mạnh, bị buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tàn tại các trại du lịch voi hoặc bị thương và không được chăm sóc đúng cách. Trên hết, chủ sở hữu voi không có nhiều động lực để nhân giống chúng trong điều kiện nuôi nhốt vì việc mang thai sẽ khiến voi cái phải ngừng hoạt động tới bốn năm, López phân tích.
Khi thay đổi nội tiết tố, voi đực rất hung dữ và khó đoán định hơn voi cái nên người ta không thích sử dụng chúng làm việc.
Tình hình của voi hoang dã cũng không khá hơn. Theo López, gốc rễ của những mối nguy hiểm voi hoang dã phải đối mặt ở Lào bắt nguồn từ nạn phá rừng đang ngày càng trầm trọng do nhu cầu gỗ từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Việt Nam. Các chuyên gia nói rằng độ che phủ rừng hiện tại của Lào chỉ còn khoảng 40% so với mức 70% được ghi nhận vào những năm 1950.
Nạn phá rừng ở Lào khiến sinh cảnh bị phân mảnh và voi không thể di cư như tập tính bao đời, điều này lại dẫn đến xung đột giữa người và voi.
“Vì vậy, voi đi ra ngoài rừng tìm đến nhà cửa và hoa màu của người dân địa phương. Chúng ăn mọi thứ và đôi khi phá nhà phá cửa, người dân địa phương tất nhiên không vui vẻ gì”, López phân tích.
Săn trộm đe dọa cả hai quần thể voi thuần hóa và hoang dã. López tiết lộ nhu cầu về các bộ phận cơ thể voi tiếp tục tăng ở các quốc gia như Trung Quốc và Myanmar – nơi da và ngà voi được sử dụng trong y học cổ truyền.
Đầu năm 2018, theo dõi tiến độ của Chương trình nghị sự Các mục tiêu phát triển bền vững cho Đông Nam Á đến năm 2030 cho thấy kết quả đáng thất vọng cho Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 15 về đo lường rừng và bảo vệ đất rừng, phục hồi và sử dụng rừng bền vững.
Tuy nhiên, Việt Nam đi ngược với xu hướng khu vực khi độ che phủ rừng tăng trong vài thập kỷ qua, đạt 48% vào năm 2017. Việt Nam đạt mức độ che phủ thấp nhất (27%) vào năm 1990 do chuyển đổi đất rừng thành đất canh tác và do hệ lụy từ bom mìn và chất diệt cỏ sót lại từ thời chiến tranh. Thành quả có được là do động thái của chính phủ hạn chế khai thác và chế biến gỗ để xuất khẩu, tái trồng rừng và để rừng tái sinh tự nhiên.
Thật không công bằng khi cho rằng Lào không cố gắng giải quyết vấn đề quần thể voi đang suy giảm. Một trong những sáng kiến thành công của chính phủ Lào là đặt ra các hạn chế chặt chẽ với việc sử dụng voi để vận trong ngành khai thác gỗ.
Ngoài ra, chính phủ Lào cũng duy trì mối quan hệ lành mạnh với Trung tâm bảo tồn voi – nơi đang cố gắng phục hồi quần thể voi Lào. Được thành lập vào năm 2010, trung tâm là công viên bảo tồn duy nhất của đất nước.
Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa nếu Lào hy vọng hồi sinh quần thể voi đông đúc như trước kia. Với số lượng cá thể còn lại không nhiều thì thời gian chắc chắn là yếu tố tiên quyết.
Nhật Anh (Theo The Asean Post)