Lâm Đồng đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu trồng rừng trên diện tích bán ngập, tuy nhiên, đến thời điểm này, do các địa phương đăng ký ít, thủ tục chuyển đổi đất lại rất phức tạp nên đành từ bỏ.
Sau khi xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có hàng chục nghìn hécta đất bán ngập không có rừng, điển hình như lòng hồ thủy điện Đa Nhim với 1.000 ha.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu trồng rừng trên diện tích bán ngập.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, do các địa phương đăng ký ít, thủ tục chuyển đổi đất lại rất phức tạp nên đành từ bỏ phương án trồng rừng này.
Cụ thể: Năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có công văn số 2758/UBND-LN ngày 10/5/2018 và một số văn bản khác về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai kế hoạch trồng rừng thay thế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức các đoàn đi khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình trồng rừng thay thế bằng cây gáo nước trên diện tích rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện, thủy lợi các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.
Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng tiếp tục phối hợp với chủ dự án thủy lợi, thủy điện rà soát diện tích trồng rừng thay thế trên diện tích bán ngập tại lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.
Tuy nhiên, phương án trồng rừng bán ngập không nhận được sự ủng hộ của các địa phương, chủ dự án hồ thủy lợi, thủy điện.
Trong 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng thì có tới 9 địa phương gồm các huyện: Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, cùng 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc không đăng ký nhận trồng rừng thay thế trên diện tích bán ngập.
Nguyên nhân được các địa phương này đưa ra là hầu hết diện tích bán ngập đều chia cắt mạnh, độ dốc lớn, manh mún, giao thông đi lại khó khăn, mực nước hồ lên xuống thất thường…
Chỉ có 3 địa phương là các huyện Lạc Dương đăng ký 8 ha đất thủy lợi; Đức Trọng đăng ký 50 ha và Di Linh đăng ký 271,35 ha đều là đất lòng hồ thủy điện.
Theo ông Võ Danh Tuyên – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất trong việc trồng rừng thay thế trên diện tích bán ngập là các thủ tục về đất đai và quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cụ thể: Theo chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại văn bản số 1927/TTg/KTN ngày 2/11/2016 và Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 25/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) của tỉnh Lâm Đồng thì diện tích bán ngập nước được tính vào đất công trình thủy lợi, công trình năng lượng, đất chuyên dùng… thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Ngay cả diện tích trên 271ha mà các địa phương đã đăng ký trồng rừng bán ngập cũng thuộc đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp, không thuộc đối tượng trồng rừng thay thế.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do các chủ đầu tư nộp được sử dụng để trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Nếu nguồn kinh phí này sử dụng không thuộc đối tượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì sẽ không được thanh toán. Điển hình như dự án trồng rừng tại hồ thủy điện Cà Đơn (tỉnh Bình Phước) thực hiện từ năm 2012 nhưng đến tận năm 2018 mới được thanh quyết toán sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là đất quy hoạch lâm nghiệp…
Một vấn đề khác là cây gáo nước dự định trồng tại các vùng bán ngập chỉ có khả năng sống ở vùng ngập nước không quá 6 tháng. Để có cây giống trồng rừng, phải có thời gian chuẩn bị cây con từ 2 năm tuổi trở lên… Trước những vướng mắc này, tỉnh Lâm Đồng đã từ bỏ phương án trồng rừng thay thế trên diện tích bán ngập tại các lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn
Cụ thể tại văn bản số 137/UBND-LN ngày 8/1/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm S nêu vấn đề, do diện tích đăng ký trồng rừng trên vùng bán ngập thuộc diện tích các hồ thủy điện, thủy lợi chỉ có 271 ha, trong khi đó, thủ tục để xin chủ trương sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế để trồng rừng bán ngập, thủ tục chuyển diện tích đất bán ngập sang quy hoạch rừng phòng hộ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, phải báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt…
Do đó, tỉnh không đề cập đến việc sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế để trồng rừng bán ngập với diện tích nêu trên.
Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các địa phương đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2020. Các đơn vị chủ rừng căn cứ kết quả kiểm kê tài nguyên rừng, cập nhật theo dõi diễn biến rừng hàng năm, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn 2016- 2025, định hướng 2030… để tiến hành rà soát, xây dựng phương án trồng và khôi phục rừng theo kế hoạch hàng năm…