Theo nghiên cứu, trong giai đoạn từ mùa Hè 2015 đến mùa Xuân 2016, khoảng 62.000 chim uria đã chết trôi dạt vào bờ hoặc chết dọc bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết khoảng 1 triệu chim biển được biết đến là chim uria tại Bắc Thái Bình Dương đã chết khi đợt nắng nóng năm 2015-2016 vốn làm gián đoạn chuỗi thức ăn của chúng.
Đây là hiện tượng dẫn đến số lượng chim biển chết nhiều nhất từng được giới khoa học ghi nhận.
Nội dung này được đề cập trong nghiên cứu công bố ngày 15/1 trên tạp chí PLOS ONE.
Theo nghiên cứu, trong giai đoạn từ mùa Hè 2015 đến mùa Xuân 2016, khoảng 62.000 chim uria đã chết trôi dạt vào bờ hoặc chết dọc bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương.
Riêng tại bang Alaska, tỷ lệ chim uria chết cao hơn 1.000 lần so với thông thường.
Các nhà khoa học ước tính tổng số chim chết vào khoảng 500.000-1,2 triệu con do không thống kê được đa số chim chết dạt vào bờ biển ở những khu vực khó tiếp cận được.
So với năm 1989, số lượng chim chết do thảm họa tràn dầu Exxon Valdez ở ngoài khơi bờ biển Alaska vào khoảng 300.000-600.000 con.
Nghiên cứu trên cũng phát hiện nhiều chim uria chết đang ở độ tuổi sinh sản.
Quần thể chim uria trên khắp khu vực này đã không sinh sản trong nhiều năm trong và sau đợt nóng nói trên.
Một số loài khác, trong đó có sư tử biển, cá voi tấm sừng, hải âu cổ rụt mào lông, cũng chết hàng loạt trong cùng thời gian.
Tuy nhiên, chim uria chết được ghi nhận ở mức cao kỷ lục về cả số lượng, thời gian và quy mô địa lý (khu vực bị ảnh hưởng có diện tích tương đương với Canada).
Bà Julia Parrish, nhà sinh thái học tại Đại học Washington và đồng tác giả nghiên cứu về đề tài trên, cho biết tần suất các đợt nắng nóng gia tăng dường như “khá mới” và có mối liên hệ với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2014-2016, nước biển ấm kết hợp hiện tượng El Nino mạnh dẫn đến thời tiết nóng quá mức dưới đại dương tại khu vực trải khắp từ bang California tới bang Alaska.
Giải thích về tác động của đợt nóng bất thường, bà Parrish cho biết nhiệt độ tăng khiến thực vật phù du giảm về cả chất lượng và số lượng, dẫn đến số lượng và chất lượng các loài cá giảm như cá trích, cá mòi – vốn là nguồn thức ăn của chim uria.
Hơn nữa, hiện tượng nước biển ấm lên làm gia tăng nhu cầu năng lượng của những loài cá lớn hơn như cá hồi và cá tuyết, vốn là những loài có cùng con mồi với chim uria.
Theo các nhà nghiên cứu, chim uria phụ thuộc nhiều vào cơ ngực (cơ hạ cánh). Khi chúng không thể ăn trong 3 hoặc 4 ngày, chúng sẽ tiêu hết toàn bộ phần cơ này, do đó không còn có thể bay hoặc lặn xuống nước nữa.
Loài chim uria có bộ lông đen và trắng này có thể bay nhanh và lặn xuống độ sâu 20m dưới mặt nước để săn mồi.
Bà Parrish kết luận hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt chứng tỏ “đại dương ấm hơn là môi trường rất khác lạ và là một hệ sinh thái ven biển rất khác đối với nhiều loài sinh vật biển,” trong đó loài chim biển là nạn nhân đầu tiên của sự thay đổi đó.