Sau khi Báo VietnamPlus phản ánh về hoạt động buôn bán các loài động vật “sách đỏ” tại nhiều khu chợ trên cả nước, Cục Kiểm lâm đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm.
Liên quan đến tình trạng kinh doanh, buôn bán, sát hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vừa được Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh trong loạt bài “Thâm nhập ‘thế giới ngục tù’ tàn sát động vật trong ‘sách đỏ’ Việt Nam,” Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) đã có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm vùng III phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xử lý dứt điểm các hoạt động vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo nội dung văn bản số 15/KL-ĐN vừa được ông Nguyễn Quốc Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm ký ban hành, qua công tác nắm tình hình của Cục Kiểm lâm và thông tin phản ánh của Báo VietnamPlus, thời gian qua đã xảy ra tình trạng kinh doanh, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã tại khu vực huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, một số địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp,…
Để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm tại các địa điểm nêu trên, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng III chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp, thống nhất với Chi cục Kiểm lâm Long An, Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp tổ chức kiểm tra và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xử lý theo quy định của pháp luật các đối tượng có hành vi vận chuyển, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã trái quy định pháp luật tại các địa điểm nêu trên.
Chi cục Kiểm lâm vùng III báo cáo kết quả xử lý về Cục Kiểm lâm trước ngày 21/1/2020.
Ngoài ra, Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Long An, Đồng Tháp phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng III và các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện theo kế hoạch; lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật các đối tượng có hành vi vận chuyển, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã trái quy định pháp luật trên địa bàn quản lý.
Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Long An, Đồng Tháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền quản lý hoạt động nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định pháp luật, chấm dứt hoạt động của các tụ điểm kinh doanh, chế biến động vật hoang dã trái quy định của pháp luật.
“Đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng III, Chi cục Kiểm lâm Long An, Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Cục Kiểm lâm đúng thời gian quy định,” văn bản của Cục Kiểm lâm nêu rõ.
Trước đó, ngày 31/12/2019, ngay sau khi làm việc với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về tình trạng buôn bán, sát hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang diễn ra phổ biến, ông Đỗ Quang Tùng – Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cũng đã có văn bản số 772/KL-ĐN yêu cầu các Chi cục Kiểm lâm vùng tăng cường phối hợp với Chi cục Kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nội dung văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được các địa phương quan tâm và có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tình trạng săn bắn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến động vật hoang dã trái pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Nguyên nhân được Cục Kiểm lâm chỉ ra là do công tác kiểm tra, giám sát, xác nhận nguồn gốc động vật hoang dã ở một số nơi chưa chặt chẽ, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng, tiếp tay cho các đối tượng hợp thức hóa hồ sơ nguồn gốc để mua bán, vận chuyển, nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp.
Trên cơ sở đó, Cục Kiểm lâm đề nghị các Chi cục Kiểm lâm vùng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm địa bàn tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm vùng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi động vật “sách đỏ” đăng ký mã số cơ sở nuôi, lập sổ theo dõi hoạt động nuôi đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi để quản lý.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cần tổ chức nắm tình hình hoạt động của các đường dây, ổ nhóm chuyên săn bắn, bẫy bắt, nuôi, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật và các hoạt động quảng cáo, bày bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, báo cáo Cục Kiểm lâm để chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp với các ngành chức năng địa phương kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật…