Ngày 14/1, Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) công bố dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy diện tích rừng nhiệt đới Amazon ở miền Bắc Brazil bị chặt phá trong năm 2019 đã tăng 85% so với năm 2018.
Theo INPE, diện tích rừng Amazon bị chặt phá trong năm 2019 đã lên tới 9.166 km2 so với 4.946 km2 bị chặt phá trong năm 2018. Đây là mức cao nhất trong ít nhất 5 năm qua.
Sự gia tăng mạnh mẽ nạn chặt phá rừng Amazon đã diễn ra vào năm 2019, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Jair Bolsonaro, người vốn “hoài nghi” đối với vấn đề biến đổi khí hậu, đã nới lỏng các biện pháp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên phong phú của Amazon.
Các dữ liệu trên được thu thập từ hệ thống DETER giám sát từ vệ tinh nạn chặt phá rừng. Theo dữ liệu chính thức mới nhất, số lượng các vụ cháy rừng Amazon trong năm 2019 là 89.178 vụ, tăng 30% so với năm 2018.
Các dữ liệu trên được đưa ra sau khi các đám cháy rừng hồi đầu năm nay đã tàn phá nhiều diện tích rừng nhiệt đới này, gây ra sự phẫn nộ toàn cầu và bất đồng ngoại giao giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và các nhà lãnh đạo châu Âu.
Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy và nạn chặt phá rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.