Sức nóng ở các đại dương trên thế giới đã đạt mức kỷ lục mới vào năm 2019, cho thấy sự nóng lên “không thể chối cãi và tăng tốc” của hành tinh.
Phân tích mới cho thấy 5 năm qua là 5 năm ấm nhất được ghi nhận ở đại dương. Nhiệt độ gia tăng ở các đại dương tương đương với mỗi người trên hành tinh chạy 100 lò vi sóng cả ngày lẫn đêm.
Các đại dương nóng hơn dẫn đến những cơn bão nghiêm trọng hơn và làm gián đoạn chu kỳ nước, có nghĩa là lũ lụt, hạn hán và hỏa hoạn nhiều hơn, cũng như mực nước biển dâng cao đột biến. Nhiệt độ cao hơn cũng gây hại cho cuộc sống ở biển, với số lượng sóng nhiệt biển tăng mạnh.
“Các đại dương thực sự là nơi cho ta biết Trái Đất nóng lên nhanh như thế nào”, giáo sư John Abraham tại Đại học St Thomas, bang Minnesota, Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Thông qua các đại dương, chúng ta thấy tốc độ ấm lên liên tục, không bị gián đoạn và đang gia tăng của Trái Đất. Đây là tin tức khủng khiếp”, ông nói với Guardian.
“Chúng tôi thấy rằng 2019 không chỉ là năm ấm nhất được ghi nhận mà nó còn thể hiện mức tăng một năm lớn nhất trong cả thập kỷ, lời nhắc nhở nghiêm túc rằng sự nóng lên do con người gây ra trên hành tinh của chúng ta vẫn không giảm”, giáo sư Michael Mann, tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Phân tích được công bố trên tạp chí Advances In Atherheric Science, sử dụng dữ liệu đại dương từ mọi nguồn có sẵn. Hầu hết dữ liệu là từ 3.800 chiếc phao Argo trôi tự do phân tán trên khắp các đại dương, ngoài ra còn lấy từ các nhiệt ký nước sâu giống như ngư lôi được phóng ra từ các tàu.
Các đại dương trên thế giới là thước đo rõ ràng nhất về tình trạng khẩn cấp khí hậu vì chúng hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng bị giữ lại bởi các khí nhà kính phát ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các hoạt động khác của con người.