Tết đến xuân về, khi mọi người đang bận rộn với việc mua sắm, du xuân đón chào năm mới cũng là lúc những cán bộ, công nhân vườn thú phải tạm gác niềm vui riêng để làm nhiệm vụ. Với họ, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian cao điểm, khối lượng công việc nhiều nhưng lại góp phần vào niềm vui đón xuân của bao người.
8 giờ sáng mỗi ngày, nhân viên Vườn thú Hà Nội lại hạ quả đối trọng, kéo cánh cửa sắt nặng hàng chục cân để cho thú ra khu trưng bày và dọn dẹp chuồng nuôi. (Ảnh: Phạm Đông)
Sau khi thú dữ đã ra khu trưng bày, các công nhân ở đây lại bắt đầu công việc quét dọn chuồng quen thuộc. Năm nào cũng vậy, cứ gần ngày Tết Nguyên đán là các cán bộ, nhân viên Vườn thú Hà Nội phân lịch trực Tết. Thông thường, các công nhân nữ được ưu tiên trực ban ngày. Riêng những công nhân nam thì sẽ tình nguyện trực ban đêm và tăng giờ vào những ngày cao điểm như 30, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết. Nếu ai nhà xa, lại bận công chuyện thì có thể đổi hoặc nhờ đồng nghiệp mình giúp đỡ.
Trao đổi với Lao Động, chị Trần Thị Ngọc (44 tuổi) cho biết, với kinh nghiệm 23 năm làm việc, theo chị việc chăm động vật, nhất là thú dữ không đơn thuần là việc cho ăn. Người làm công việc này còn phải tìm hiểu tâm lý, tính nết, tính khẩu phần thức ăn, chú trọng hàm lượng dinh dưỡng, định kỳ nâng cao sức đề kháng, chế độ ăn uống cho phù hợp. Những ngày Tết, khi có nhiều du khách đến thăm quan thì chúng cũng lười ăn hơn nên cần có chế độ chăm sóc tốt hơn.
Nói về việc trực Tết, anh Nguyễn Quang Phúc (50 tuổi, tổ trưởng tổ chăm nuôi thú dữ) cho hay, do tính chất công việc nên nhiều năm anh và các đồng nghiệp tại đây phải trực Tết. Mỗi năm vườn thú đều duy trì ba cấp trực là trực lãnh đạo, trực bác sĩ thú y và trực công nhân.
Sau khi dọn chuồng, công nhân bắt đầu phân chia, chuẩn bị khẩu phần ăn cho từng loại thú. Mỗi suất ăn của từng loại đều được cân chia cho phù hợp.
Để đảm bảo cho hệ tiêu hóa của thú được tốt, công nhân sẽ bổ sung thêm men tiêu hóa vào thịt và hoa quả.
Với những loại động vật như hổ, việc chăm sóc sẽ rất khó khăn do bản tính hung dữ. Chị Hà Thu Phương – Giám đốc xí nghiệp chăn nuôi động vật số 1 – cho biết, hiện Vườn thú Hà Nội có trên 500 cá thể được chia thành các khu nuôi dưỡng. Riêng khu vực chăn nuôi thú dữ có 16 cá thể gồm: ba hổ, một báo gấm, chín gấu ngựa, một gấu chó và hai sư tử.
Chú sư tử tên Chăm này sớm mồ côi mẹ, lại không thể sống gần cha. Có lẽ nó sẽ không thể sống tiếp nếu không có sự cưu mang tận tình của các công nhân vườn thú. Trong số đó, có một người phụ nữ đặc biệt, được mọi người yêu mến gọi là “người mẹ thứ hai” của chú sư tử này, đó chính là chị Ngọc.
Khi không thấy chị Ngọc, chú sư tử nặng gần 200kg này nhảy lên trên cửa để “trông ngóng”.
Với anh Phúc, cảm giác ngày Tết phải ở vườn thú, đặc biệt là thời khác giao thừa thì dĩ nhiên là ai cũng nhớ gia đình, ai cũng muốn được sum vầy đầm ấm cùng người thân dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, trực tết lại có niềm vui khác là được trải qua những giờ phút thiêng liêng cùng đồng nghiệp và các con thú.
“Gần 27 năm làm nghề, kỷ niệm của tôi đơn giản chỉ là những giây phút chờ đợi thú sinh con, đón giao thừa cùng đồng nghiệp. Nhìn dòng người kéo nhau vào vườn thú thăm quan, đặc biệt là các cháu nhỏ chào đón năm mới trong tiết trời xuân thật là hạnh phúc. Dù công việc ngày Tết có vất vả nhưng chúng tôi lại rất vui khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong niềm vui chung của cộng đồng” – anh Phúc vui vẻ nói.