Trung Quốc lên kế hoạch chuyển nước ở phía tây

Thông tin Dự án chuyển nước từ phía Nam sang phía Bắc (Nam thủy Bắc điều) sẽ được xúc tiến ở phía Tây Trung Quốc đang gây ra nhiều tranh cãi.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi đưa ra các phương án cho đoạn phía tây của dự án chuyển nước đầy tham vọng.

Ý tưởng chuyển nước từ vùng phía nam nhiều nước về phía phía bắc khô hạn được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1952. Ngày nay, dự án bao gồm ba tuyến: một ở phía đông, một ở miền trung và một số tuyến đầy tiềm năng ở phía tây. Tuyến ở miền trung hoàn thành vào năm 2014, đưa nước từ tỉnh Hồ Bắc vượt hành trình hơn 1.400 km đến Bắc Kinh và Thiên Tân trong 15 ngày. Tuyến phía đông bắt đầu chuyển nước từ Giang Tô đến Sơn Đông và Thiên Tân vào năm 2013.

Tuyến phía tây – nối liền sông Dương Tử và Hoàng Hà qua cao nguyên Tây Tạng – thậm chí còn nhiều thách thức hơn và vẫn nằm trên bản vẽ do có nhiều lo ngại về các tác động môi trường – xã hội. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, dự án lại được đưa ra bàn thảo. Mặc dù xây dựng tuyến chuyển nước có thể kích thích nền kinh tế nhưng có những lý do chính đáng tại sao ý tưởng này “đắp chiếu” trong một thời gian dài.

Nhiều lựa chọn

Nam thủy Bắc điều là dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ và có quy mô rộng nhất của Trung Quốc kể từ năm 1949. Tiến trình xây dựng bắt đầu từ năm 2002, hàng trăm ngàn người đã phải di dời để lấy mặt bằng cho dự án, mang lại những thay đổi cơ bản với hệ thống thủy văn và sinh thái của cả hai hệ thống sông Hoàng Hà và Dương Tử.

Hai tuyến hiện tại – phía đông và ở miền trung – dẫn nước từ vùng hạ du và trung du sông Dương Tử.

Thượng lưu sông Dương Tử (Ảnh: International Rivers))

Ý tưởng cho tuyến phía tây có thể được chia làm hai: một số đề xuất cực kỳ tham vọng từ công chúng, và một ý tưởng khiêm tốn hơn của chính phủ.

Kế hoạch chính thức khởi nguồn năm 2001 từ Ủy ban thủy lợi Hoàng Hà. Nước sẽ được lấy từ các nhánh sông thượng du Dương Tử ở Tứ Xuyên như Nhã Long và Đại Độ Hà. Một hệ thống đập khổng lồ sẽ làm tăng mực nước để chảy qua các kênh đến thượng nguồn Hoàng Hà, từ đó nước sẽ vào Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Nội Mông, Thiểm Tây và Sơn Tây. Trên hết, 17 tỷ mét khối nước sẽ được chuyển dòng mỗi năm, đủ để đáp ứng tình trạng thiếu nước ở thượng nguồn và trung du Hoàng Hà vào năm 2050.

Các đề xuất không chính thức và táo bạo hơn là xây dựng một kênh đào nối Sóc Thiên Vận Hà ở Tây Tạng với Thiên Tân, và một kế hoạch khác để chuyển nước từ cùng khu vực đến Tân Cương. Những kế hoạch này sẽ cung cấp nước cho phía bắc Trung Quốc không chỉ từ sông Dương Tử mà từ các con sông xuyên quốc gia như Nhã Lỗ Tạng Bố, Nộ Giang và Lan Thương (lần lượt có tên gọi Brahmaputra, Salween và Mê Công khi chảy ra khỏi biên giới Trung Quốc).

Kênh đào Tây Tạng – Thiên Tân được một cán bộ kỹ thuật đã nghỉ hưu tên Quách Kỳ đề xuất vào cuối thế kỷ 20, chuyển 200 tỷ m3 – tương đương với bốn lần Hoàng Hà – từ Nhã Lỗ Tạng Bố (thượng nguồn sông Brahmaputra) sang Hoàng Hà.

Đề xuất chuyển nước đến Tân Cương lại được đưa ra vào năm 2017 dưới cái tên “Hồng Kỳ Hà”, sẽ kéo dài 6188 km, tức là chỉ ngắn hơn một chút sông Dương Tử, và chuyển hướng 60 tỷ m3 nước – nhiều hơn cả dòng chảy hàng năm của Hoàng Hà.

Còn nhiều ý kiến ​​khác nhau

Các nghiên cứu về tuyến phía tây được tiến hành năm 2018 gồm đánh giá về các xu hướng cung cấp và nhu cầu nước trong lưu vực Hoàng Hà cùng tiềm năng cho các kế hoạch tiết kiệm nước. Các tuyến chính thức đang được xem xét kỹ lưỡng trong khi các lựa chọn thay thế tham vọng hơn đang ở khâu đánh giá ban đầu.

Tuyến phía tây chính thức đi qua một vùng núi cao 3.000 – 4.000 mét so với mực nước biển và có địa hình rất phức tạp: hoạt động địa chấn, dễ bị tổn thương về môi trường và nhiều nhóm dân cư thiểu số nên khâu xây dựng và bảo trì sẽ rất tốn kém.

Các đề xuất không chính thức sẽ còn khó khăn hơn một phần vì quy mô ở tầm quốc tế.

Với phương án nào thì các chuyên gia cũng đều có quan điểm khác nhau.

Các nhà phê bình gay gắt nhất gọi các kế hoạch không chính thức là “ảo tưởng”. Hai chuyên gia Tiền Chính Anh và Trương Quang Đấu thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết trong một báo cáo năm 2002 với Hội đồng Nhà nước rằng trong tương lai gần, các kế hoạch này không khả thi và không cần thiết.

Phát biểu tại Đại học Hồng Kông năm 2006, cựu Bộ trưởng thủy lợi Uông Thứ Thành mô tả dự án Tây Tạng – Thiên Tân sẽ kết nối năm con sông khác nhau qua 5 kênh đào để cấp nước cho Hoàng Hà là “không cần thiết, không khả thi, không khoa học”. Ông Uông Thứ Thành chỉ ra rằng Hoàng Hà xảy ra lũ lụt vào mùa mưa nên đổ thêm 200 tỷ m3 nước sẽ gây ra vấn đề cho các đập, nhà máy thủy điện và thành phố hiện có. Chi phí kinh tế – môi trường càng khiến dự án trở nên phi thực tế.

Nhưng Phó Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc Trương Bác Đình lại ủng hộ tuyến phía Tây mở rộng, nói rằng nước từ Nhã Lỗ Tạng Bố, Nộ Giang và Lan Thương sẽ giảm bớt tình trạng thiếu nước của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc hiện không lấy nước từ các con sông xuyên quốc gia nhưng nên nhận nước từ phần chảy trong biên giới nội địa.

“Trung bình, hơn 100 tỷ mét khối nước sông Nhã Lỗ Tạng Bố chảy qua biên giới Trung Quốc hàng năm nhưng chúng ta không sử dụng chút nào. Hoàng Hà cũng chỉ có hơn 50 tỷ m3 nước và ngần đó chỉ đủ đáp ứng cho một nửa đất nước. Chúng ta nên lấy nước từ các con sông xuyên quốc gia”.

Trương Bác Đình cho rằng đó là những kế hoạch ít tham vọng hơn nhưng vẫn không thực tế. Việc rút nước từ sông Dương Tử sẽ ảnh hưởng đến các công trình thủy điện như đập Tam Hiệp, do đó sẽ vấp phải nhiều sự phản đối.

“Lấy nước đi cũng không khác nào lấy tiền của họ đi”.

Kỹ sư cao cấp Phạm Hiểu thuộc nhóm khảo sát khu vực của Cục Địa chất Tứ Xuyên có quan điểm khác: “Bạn không cần phải rút nước đi để sử dụng. Nước đang duy trì hệ sinh thái khu vực, đó cũng là một chức năng quan trọng. Xây dựng đập trên sông Lan Thương đã gây ra tác động đến hạ nguồn sông Mê Công”.

Tại sao không giữ nguyên hiện trạng?

Mấu chốt của sự bất đồng quan điểm là cân bằng giữa sử dụng nước với bảo vệ môi trường.

Từ năm 2006, một nhóm khảo sát được nhà địa chất độc lập Dương Dũng thành lập đã nghiên cứu các khu vực nước sẽ được lấy đi, được dẫn qua và chuyển đến. Nhóm đúc rút ra bảy hạn chế chưa được giải quyết đầy đủ, gồm cả các tác động đến sự cân bằng tự nhiên của khu vực nguồn Dương Tử, tác động vào mùa lũ trên sông Hoàng Hà và tác động tới khí hậu.

13 năm sau nghiên cứu, Dương Dũng vẫn khẳng định tuyến phía tây dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều không cần thiết. Theo ông, biến đổi khí hậu khiến vùng Tây Bắc Trung Quốc nóng ẩm hơn và việc người dân di cư sang phía đông cũng như sự dịch chuyển khỏi ngành công nghiệp nặng sẽ làm giảm tình trạng thiếu nước. Nói tóm lại, Dương Dũng tin rằng hiểu biết về những thay đổi khí hậu, dân số, xã hội, môi trường và công nghệ nên được ưu tiên hơn các giải pháp kỹ thuật.

Phạm Hiểu tuy không đồng thuận cho rằng vùng Tây Bắc Trung Quốc nóng ẩm hơn nhưng cũng có quan điểm tương tự về việc tuyến phía tây sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu nước và các biện pháp bảo tồn nên được thực hiện trước khi đưa thêm nước tới.

“Nếu chúng ta bảo tồn nước đúng cách, chúng ta cần phải chuyển bao nhiêu? Liệu điều đó có cần thiết?”

Nhật Anh (Theo Chinadialogue)

Nguồn: