Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với 3.526 loài thực vật rừng, 133 loài nấm cộng sinh, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá. Đây là nguồn tài nguyên đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, việc Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn nhằm đánh giá một cách đầy đủ về tính ĐDSH của khu hệ động thực vật, các hệ sinh thái (HST), những loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn.
Hiện trạng ĐDSH của tỉnh Lâm Đồng
Do ảnh hưởng tổng hợp của các nhân tố hình thành và quá trình phát triển tự nhiên của các thảm thực vật, Lâm Đồng có 6 HST rừng tự nhiên điển hình, đó là:
HST rừng lá rộng thường xanh là kiểu rừng phổ biến ở Lâm Đồng trên tất cả các đai độ cao, với diện tích 206.819 ha, phân bố ở các địa phương gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc. Trong đó có đến hàng trăm loài thực vật như rêu, thông đất, cỏ tháp bút, dương xỉ, hạt trần, hạt kín… Ở vùng thấp đến núi vừa là các loài cây họ: dầu, bằng lăng, ngọc lan…, hay nhiều loài chỉ phân bố ở các đai cao như các loài thuộc họ: chè, đỗ quyên, dẻ, sim, long não. Đặc biệt, kiểu rừng này là nơi cư trú của nhiều loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm và được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam như gấu ngựa, gấu chó, lợn rừng… Ngoài ra, còn có các loài chim như chim Mi Lang Biang, gõ kiến vàng lớn, khướu đầu đen má xám, phường chèo đỏ đuôi dài…
HST rừng hỗn giao lá rộng lá kim là kiểu rừng phát triển trên núi cao, ở các đai có độ cao trên 1.000 m, phân bố ở các huyện: Lạc Dương, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà, TP. Đà Lạt với tổng diện tích là 28.660 ha. Về thành phần loài, có các loài thuộc họ dẻ, long não đóng vai trò chính, còn các loài cây họ chè, ngọc lan chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Trong kiểu rừng này có các loài cây hạt trần chiếm một tỷ lệ đáng kể với các loài: pơ mu, hồng tùng, thông nàng, du sam… Đặc biệt có các loài thông 2 lá dẹt và thông 5 lá. Kiểu rừng này phân bố trên các địa hình đồi núi, có độ dốc cao, do vậy có ý nghĩa quan trọng về môi trường, là đầu nguồn của nhiều sông suối trên địa bàn tỉnh.
HST rừng lá kim phân bố trên các địa hình khác nhau, với độ cao từ 800 m đến 2.000 m, thuộc các huyện Lạc Dương, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà, TP. Đà Lạt với tổng diện tích trên 100 nghìn hecta. Thành phần chính của kiểu rừng lá kim là thông 3 lá và thông 2 lá. HST rừng lá kim điển hình trong khu vực Bidoup-Núi Bà chủ yếu là thông 3 lá chiếm ưu thế tuyệt đối, hình thành nên những cánh rừng độc đáo và rộng lớn nhất trong cả nước với diện tích là 19.645,16 ha.
HST rừng lá rộng rụng lá là kiểu rừng rụng lá vào mùa khô trong năm. Kiểu rừng này phân bố ở các huyện Lạc Dương, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà với tổng diện tích là 19.725 ha với nét đặc trưng là có mặt các cây rụng lá ở tầng ưu thế sinh thái như các loài cây thuộc họ: dầu, bằng lăng, na, thầu dầu, thị, máu chó. Đặc biệt, ở HST này có các loài cây quý hiếm như gõ đỏ, trắc đen, cẩm lai, giáng hương… Kiểu rừng này là nơi sinh sống của các loài thú như báo lửa, báo hoa mai, bò tót, thỏ nâu, mèo rừng, hoãng, nai… và các loài chim như gà rừng, le nâu, chào mào…
HST rừng tre nứa hỗn giao với cây gỗ là kiểu rừng thứ sinh do các loài tre nứa xâm lấn rừng gỗ. Kiểu rừng này phân bố ở những vùng thấp, ven sông suối với diện tích trên toàn tỉnh là 98.795 ha, hiện diện rải rác ở tất cả các huyện, TP bao gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Đà Lạt và Bảo Lộc. Ở kiểu rừng này, cây gỗ mọc rải rác tạo thành tầng riêng và tầng còn lại là tre nứa. Về thành phần động vật có các loài thú như dúi mốc lớn, dúi má vàng, nhím đuôi ngắn, đon… và một số loài chim như chích chòe lửa, gà rừng, sẻ bụi xám, chào mào, đa đa, bìm bịp nhỏ, cú muỗi, cu gáy…
HST rừng tre nứa thuần loài là kiểu rừng phân bố ở đai độ cao dưới 1.000 m, một số ít có thể tìm thấy ở độ cao 1.200 m hoặc cao hơn; với diện tích 61.931 ha phân bố ở các địa phương gồm: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Thành phần loài thực vật tương đối đơn giản với các loài thuộc họ sim, họ đậu. Ở kiểu rừng này có các loài thú như dúi mốc lớn, dúi má vàng, nhím đuôi ngắn, đon…; một số loài chim như gà rừng, bìm bịp nhỏ…
Súm Hòn Giao – một loài mới được phát hiện ở Lâm Đồng
Trên địa bàn tỉnh đã thống kê được 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá. Trong đó đã xác định 11 loài động vật cần ưu tiên bảo tồn cao là chim Mi Lang Biang, khướu đầu đen má xám, chà vá chân đen, vượn má vàng, gà so cổ hung, bò tót, tê tê gia va, báo gấm, hổ, bò rừng, công. Hệ thực vật có mạch với khoảng 3.526 loài, tăng thêm 36 loài mới được công bố so với số liệu trước đây là 3.490 loài. Trong đó đã thống kê 161 loài được xếp vào danh mục thực vật quý hiếm, nguy cấp; 123 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007; 43 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; 27 loài trong IUCN 2015. Dựa trên kết quả điều tra, đánh giá thực trạng bảo tồn, nhiều loài thực vật đang bị đe dọa nghiêm trọng cần phải đưa vào trong công tác quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh, trong đó ưu tiên bảo tồn một số loài thực vật mới được công nhận như chè hoa vàng, trà mi bạc, trà mi Đà Lạt và một số loài có nguy cơ đe dọa cao như cầu điệp, lan phích Việt Nam, kim điệp thân phình, ngọc điểm, ý thảo, cánh sét, giả hạc Di Linh.
Một số nội dung trong Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh Lâm Đồng
Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng và phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH trong hệ thống trên các phương diện sinh thái, môi trường, cũng như kinh tế – xã hội bền vững. Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2020 là hoàn thành thống kê cơ bản cơ sở dữ liệu ĐDSH của tỉnh; phát hiện các nguy cơ gây suy giảm ĐDSH; tăng cường công tác quản lý bảo tồn ĐDSH ở HST rừng tự nhiên đặc thù cây lá kim; hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi đến rừng và ĐDSH; Nâng cao độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%; hạn chế các tác động xâm hại đến rừng; xử lý nghiêm các vụ vi phạm đến tài nguyên rừng; kiểm soát việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật… Định hướng đến năm 2030, tiếp tục bảo vệ các HST tự nhiên, các loài động – thực vật quý hiếm có yêu cầu bảo tồn cao; hạn chế tối đa sự suy giảm ĐDSH; kiểm soát chặt chẽ các loài ngoại lai xâm hại; duy trì và phát triển các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đã có và thành lập mới; củng cố các hành lang ĐDSH; Phát triển các HST rừng, nghiêm cấm tác động bất lợi vào rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ của rừng toàn tỉnh lên trên 55%, nâng cao chất lượng rừng; Nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH; giải quyết hài hòa lợi ích giữa cộng đồng địa phương và các khu bảo tồn…
Theo Quy hoạch, tổng diện tích quy hoạch cho 3 hành lang ĐDSH 250.065 ha, diện tích đất có rừng 217.634 ha (chiếm 87% diện tích quy hoạch); trong đó 88,2% là rừng tự nhiên. Theo đó, hành lang 1 phân bố ở huyện Lạc Dương, Đam Rông và Lâm Hà, diện tích 140.017 ha; hành lang 2 phân bố ở huyện Đam Rông và Lâm Hà, diện tích 1.658 ha; hành lang 3 phân bố ở huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và Cát Tiên, diện tích 98.390 ha. Các hành lang ĐDSH thực hiện nhiệm vụ kết nối 2 khu bảo tồn là VQG Bidoup – Núi Bà và VQG Cát Tiên, bảo đảm khả năng bảo tồn các HST rừng, các sinh cảnh và các loài động, thực vật quan trọng trong các hành lang ĐDSH.
Quy hoạch tổng diện tích rừng lá kim 95.485,4 ha, chiếm tỷ lệ 21,0% rừng tự nhiên của tỉnh, phân bố tại 7 huyện và TP. Đà Lạt. Thông qua quy hoạch, thực hiện xác định phạm vi, ranh giới, điều tra ĐDSH về động – thực vật và các giá trị môi trường; nghiêm cấm các tác động bất lợi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tích cực phục hồi, nâng cao chất lượng rừng; triển khai nghiên cứu, xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần hạn chế cháy rừng, chặt phá rừng.
Với đặc điểm vị trí là vùng cao nguyên và cấu tạo địa hình nhiều đồi núi với phân cấp độ cao và độ dốc biến động lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng các HST ngập nước có diện tích khoảng 13.181,1 ha (chiếm tỷ lệ khoảng 1,34% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Do vậy, quy hoạch bảo vệ toàn bộ diện tích HST ngập nước hiện có; thực hiện các biện pháp tập trung bảo tồn các HST rừng đầu nguồn và các lưu vực; kết hợp công tác quản lý, bảo vệ của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, thủy điện và bảo tồn các HST rừng tự nhiên đầu nguồn và lưu vực.
Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn tỉnh Lâm Đồng, gồm 9 khu bảo tồn, trong đó có 5 khu bảo tồn quy hoạch chuyển tiếp (Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, VQG Bidoup – Núi Bà, VQG Cát Tiên, Khu rừng cảnh quan môi trường Đà Lạt, Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm Đà Lạt, Đức Trọng) và 4 khu bảo tồn thành lập mới (Khu Dự trữ thiên nhiên Đơn Dương, Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Phát Chi, Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Núi Voi, Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Magaguoil).
Trên địa bàn tỉnh đã xác định 10 loài sinh vật ngoại lai xâm hại và 5 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Trong đó có 4 loài động vật ngoại lai xâm hại (ốc bươu vàng, cá tỳ bà, cá tỳ bà lớn, rùa tai đỏ); 2 loài động vật có nguy cơ xâm hại (cá trê phi, cá rô phi đen); 5 loài thực vật ngoại lai xâm hại (bèo tây, cây ngũ sắc, cây lược vàng, trinh nữ thân gỗ (Mai dương) và Cỏ lào); 3 loài thực vật có nguy cơ xâm hại (keo dậu, cây cứt lợn, gừng dại). Để kiểm soát và phòng chống loài ngoại lai xâm hại, biện pháp xử lý trước mắt là tổ chức tuyên truyền để nhận biết các loài ngoại lai xâm hại và triển khai kiểm soát, tiêu diệt, phòng trừ ở các địa điểm có phân bố tập trung để kịp thời hạn chế tác hại và lây lan. Sau đó, triển khai dự án điều tra, đánh giá sâu rộng, chi tiết trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đề xuất biện pháp cụ thể để quản lý, hạn chế, phòng trừ hiệu quả.
Đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả Quy hoạch
Để triển khai công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và Quy hoạch bảo tồn ĐDSH nói riêng có hiệu quả, thiết thực, trong thời gian tới Sở TN&MT sẽ phối hợp với các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chính:
Định kỳ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch. Tham mưu điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, dự án thực hiện quy hoạch, phù hợp với chương trình, quy hoạch chung của Trung ương và địa phương.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ĐDSH cho chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến việc thực thi pháp luật về quản lý ĐDSH và an toàn sinh học.
Triển khai thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên ĐDSH.
Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin và lưu trữ về ĐDSH toàn tỉnh. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng về bảo tồn ĐDSH và an toàn sinh vật.
Áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản lý ĐDSH; kiểm soát, ngăn chặn các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa khác đối với ĐDSH.
Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên ĐDSH nói riêng là nguồn lực giá trị quan trọng cho phát triển kinh tế, là vấn đề môi sinh cần bảo tồn để duy trì sự sống các HST rừng gắn với đời sống cộng đồng, dân cư. Tài nguyên ĐDSH chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội; BVMT, bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững.
ThS. Lương Văn Ngự – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng