Môi trường ô nhiễm kéo dài khiến nhà đầu tư e dè và suy giảm giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp lo ngại ô nhiễm
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện khối doanh nghiệp FDI đều lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong dài hạn.
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho rằng, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí, xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề đáng lo ngại. Tính đến tháng 9/2019 chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được xếp ở mức nguy hại nhất, còn TP.HCM ở mức thứ 3. Trong khu vực đô thị, khí thải từ xe máy và ô tô gây ô nhiễm không khí, còn ở nông thôn là hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đây là vấn đề kinh tế xã hội báo động.
Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia.
Ô nhiễm không khí có thể làm giảm 5% GDP Việt Nam
Ông Nobufumi Miura chỉ rõ, những ngày vừa qua, Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hại nhất. Tiếp sau là TP HCM (ở mức cao thứ 3) cùng không ít địa phương trong đó có cả ở vùng nông thôn và thành thị của Việt Nam đang ngày càng đáng lo ngại về ô nhiễm không khí. Ngoài dẫn đến mối nguy hại về sức khỏe, việc ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nobufumi Miura nhận định: “Đây là kết quả của việc quá ưu tiên chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm đến các biện pháp đối phó chống lại các tác động đến môi trường của Việt Nam”.
Ông Nobufumi Miura phân tích, với tình trạng khí thải từ xe máy, ô tô ở khu vực thành thị và hệ quả từ việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch ở vùng nông thôn đã làm cho không khí của Việt Nam ô nhiễm ở mức đáng báo động. Và với tình trạng ô nhiễm không khí này có thể gây thiệt hại ước tính khoảng 5% GDP cho Việt Nam. Ông Nobufumi Miura thẳng thắn: “Đây là một vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng”.
Bài học từ Nhật Bản
Để giải quyết vấn đề này cũng như đối phó với những vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ông Nobufumi Miura cho rằng Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm Nhật Bản đặc biệt là từ tình trạng điển hình được gọi là “Các đảo bị ô nhiễm” đã diễn ra tại đất nước Mặt trời mọc từ những năm 1960 đến những năm 1970. Đến mức, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhận định rằng “Trong những năm 1960, Nhật Bản là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất”.
Và điều đáng nói, tình trạng ô nhiễm môi trường đó diễn ra trong đúng thời kỳ tăng trưởng cao như Việt Nam hiện nay. “Tại thời điểm đó, Nhật Bản đang tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là xấp xỉ 8%, giống như Việt Nam hiện nay. Đây là kết quả của việc ưu tiên phát triển kinh tế quá mức mà không xem xét tới các biện pháp đối phó với những tác động đến môi trường. Khi ô nhiễm (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, sụt lún đất, mùi khó chịu, v.v.) trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm, chính phủ Nhật Bản đã hạn chế phản ứng dữ dội của kinh tế thế giới bằng cách sửa đổi “Đạo luật kiểm soát ô nhiễm môi trường” vào năm 1970. Cho đến khi đó, Chính phủ Nhật mới miễn cưỡng áp dụng những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt vì những tác động bất lợi có thể gây ra cho nền kinh tế, đồng thời sửa đổi chính sách từ ưu tiên công nghiệp sang ưu tiên sức khỏe con người”, ông Nobufumi Miura chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết bảo vệ môi trường thông qua nhiều chính sách khác nhau, ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường. Để tiếp tục cải thiện môi trường hiện đang bị hủy hoại do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, theo ông Nobufumi Miura, việc đặt ra các quy định rõ ràng như “ưu tiên sức khỏe hơn là phát triển công nghiệp” là vô cùng cần thiết. Cần thực hiện và tăng cường các quy định một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả cũng như thúc đẩy việc thực hiện các công nghệ bảo vệ môi trường mới nhất để đáp ứng các quy định đó.
Ông Nobufumi Miura khuyến nghị: “Cải thiện chất lượng không khí trong nhà sẽ giúp con người giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe. Mặc dù Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho VACEE (Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam) xây dựng tiêu chuẩn, chúng tôi vẫn đề nghị cần phải đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực này. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn là cần thiết để nhanh chóng cải thiện chất lượng không khí. Các công ty Nhật Bản sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ các quy định pháp lý có hiệu lực”.
Vì vậy, để cải thiện chất lượng môi trường không khí, ông Miura khuyến nghị Chính phủ tăng cường các quy định và lấy việc cải thiện chất lượng môi trường là trọng tâm ưu tiên.